Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mầm non và “học kỳ 3” An toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu


Với 664 giáo viên mầm non (GVMN) mà 85% quân số có trình độ ĐH và CĐ chuyên ngành, đội ngũ GVMN quận 5 TP Hồ Chí Minh đã được đánh giá là một trong đơn vị tiêu biểu đạt chuẩn của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó phòng GDMN quận 5, vẫn rất lo lắng: Có 664 "bà mẹ" được đào tạo bài bản thật nhưng "số con" họ phải chăm sóc lên tới trên 10.000 đứa trẻ.


Nói thực, cứ mỗi khi nghe tin có trường hợp trẻ ở đâu đó bị tai nạn thương tích là GVMN chúng tôi cứ giật mình thon thót; áp lực nuôi, dạy trẻ là vô cùng lớn". Đây cũng là nỗi lo chung mà ngành GDMN thành phố đang thực hiện chỉ đạo cuối tháng 5/2014 từ UBND TP Hồ Chí Minh, tất cả các cơ sở MN trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường trong mùa hè năm nay, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.


Những con số cảnh báo!
Được biết, hiện địa bàn TP Hồ Chí Minh có 907 trường MN công lập nhưng đang phải chăm sóc cho trên 336.000 trẻ MN. Vì thiếu GVMN, ngành hiện vẫn đang phải duy trì 520 nhóm trẻ gia đình với sự chăm sóc của các cô bảo mẫu, cần bổ sung thêm hàng ngàn GVMN nữa cho nhu cầu, với ngành Giáo dục MN thì đây quả thực là một thách thức rất lớn. Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa nhi trong thành phố tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng nguy kịch..., thậm chí có trẻ đã tử vong chỉ vì những bất cẩn, lơ là của người lớn, khiến áp lực về công tác an toàn cho trẻ dịp hè thêm gia tăng.


Mới đây nhất, trường hợp bé N.P.K (3 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã tử vong tại BV Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh sau hai ngày được các bác sĩ đã cố gắng bằng mọi biện pháp điều trị tích cực. Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 2 cho biết, bé K nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.Trước đó, bé bị chấn thương đầu, xuất huyết não, phù não do ngã ngửa từ cầu thang nhôm không có tay vịn xuống nền nhà. Trước đó, cũng tại Khoa Cấp cứu BV này đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 18 tháng tuổi khi được đưa vào đã trong tình trạng hôn mê sâu sau khi bị bỏng giật điện tại nhà. Nguyên nhân do bà mẹ mải bếp núc, không để ý con tự bò tới chỗ nồi cơm điện và bị giật. Khi phát hiện ra thì cháu đã nằm bất động.


Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, mùa hè cũng là dịp các bác sĩ trong Khoa phải tích trữ thuốc cấp cứu cho trẻ bị rắn độc tấn công, có những loại thuốc giải nọc độc rắn phải đặt mua từ nước ngoài, phòng khi có trẻ cần; hay cấp cứu cho trẻ bị côn trùng cắn, bị ngộ độc thuốc.


Môi trường an toàn cho trẻ mầm non trong điều kiện thiếu giáo viên mầm non đang là áp lực lớn cho ngành Giáo dục.


Và trong đó, ngộ độc thuốc là thứ dễ bị xảy ra nhất. Người lớn cất không cẩn thận, trẻ tìm được và hồn nhiên "ăn". Ngộ độc có khi nguy kịch tính mạng. Hay phổ biến là trẻ hóc dị vật, ăn bị sặc khiến nghẹt đường thở, như: hạt dưa, hạt bí, quả bóng bàn, cái kẹo, nắp bút bi, thậm chí kim băng mẹ để quên đâu đó. Một trường hợp gần đây mà bác sĩ BV Nhi đồng 1 vừa cấp cứu thành công là bé Ng.Th. (5 tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Gia đình bé Th. chủ quan, để bé tự chơi trò xích đu ngoài vườn. Chẳng hiểu chiếc xích đu tự chế giữa 2 cây tre như nào, cháu bé chơi một mình, không có người lớn bên cạnh, bất ngờ bị trượt tay, bé té xuống đất, bị một cọc tre đâm trúng hậu môn. Vết thương thủng ruột ở đoạn trực tràng. Các bác sĩ Khoa Ngoại, BV Nhi đồng 1 ngay khi tiếp nhận, hội chẩn gấp và mổ cấp cứu, kịp thời cứu sống. Hiện bé đang trong giai đoạn bình phục...


Cũng theo bác sĩ Minh Tiến, các nghiên cứu trường hợp trẻ trên 1 tuổi tử vong cũng cho thấy, 86% trẻ bị tai nạn do té ngã, 11% là do bị nghẹt đường thở và 75% các trường hợp tai nạn ở trẻ là tai nạn thông thường. Rất nhiều nguy cơ đã được các bác sĩ cảnh báo, thường xuyên phối hợp, phổ biến gửi tới các trường MN để nhắc nhở. Nhưng sự phối hợp vẫn chưa ăn ý, nhất là những tai nạn rất dễ gặp của trẻ ở trường, ở nhà ra như: điện giật, bỏng, ngạt nước. Tốt nhất là không để trẻ một mình trong phòng mà không có người trông giữ. Cần học thuần thục cách sơ cấp cứu đúng cách, tránh trường hợp đáng tiếc cho trẻ.


Và "học kỳ 3" cần thiết của cô giáo mầm non
Bà Mai Hương, Phòng GDMN quận 5 cho biết, trẻ MN học hè về cơ bản là tạo sân chơi bổ ích, bảo đảm dinh dưỡng, tạo cho trẻ có được những phản xạ trong hoạt động giao tiếp, kỹ năng sống, phát hiện những năng khiếu..., nghĩa là có một mùa hè bổ ích cho trẻ phát triển thể trạng, tâm lý. Mục tiêu là vậy, thế nhưng từ đầu năm tới nay có khá nhiều ổ dịch bệnh tại trường học, như: tay - chân - miệng (TCM), sốt xuất huyết, thủy đậu, dịch sởi..., phòng quản lý GVMN liên tục phải cho GV lên lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh.


Riêng cuối tuần, các GVMN lại phải ở lại trong trường làm công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn; mua Cloramin B tẩy rửa các phòng học, đồ chơi. GVMN bây giờ phải nhớ kỹ từ công thức pha thuốc CloraminB, biết lịch tiêm phòng của trẻ, nhắc phụ huynh cho trẻ đi tiêm ngừa, kiến thức y tế dự phòng được cập nhật thường xuyên.


Chính vì vậy, theo bà Hương, với GV khối phổ thông, dịp hè có thể được đi nghỉ mát nhưng GDMN dịp hè là khóa học đặc biệt, không có trong nội dung được đào tạo tại môi trường sư phạm. Thường xuyên có mặt tại các BV Nhi Đồng 1 và 2, tham gia lớp tập huấn để nắm kiến thức phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt là công tác thực hành sơ cấp cứu cho trẻ về phòng chống tai nạn... Ngoài ra, các quận đều đã chuẩn bị tinh thần được chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh là dạy thí điểm trẻ từ 6 đến18 tháng tuổi, vì vậy đội ngũ GVMN hiện không phải làm việc 6 giờ/ngày, mà phải thường xuyên 10-12 giờ/ngày.


Được biết, sau vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 100 học sinh trường tiểu học ở quận 9 bị nhập viện vào tháng 4 vừa qua, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã ra một sắc lệnh với tất cả các bếp ăn trường học. Đó là bếp trưởng, phó hiệu trưởng mỗi trường phải tự mình nếm từng món ăn trước khi dọn lên cho trẻ. Tất cả loại thực phẩm trước khi cho trẻ ăn đều được lập sổ, ghi lại cảm nhận về mùi, vị và ngừng không cho trẻ, học sinh ăn nếu có dấu hiệu nghi ngờ.


Ngày 14/6, tại cuộc họp HĐND với ban ngành TP, việc giữ trẻ từ 6 tới 18 tháng tuổi tiếp tục được đưa ra bàn luận gay gắt, trong khi các trường ĐH sư phạm chưa chủ động trong việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ này?... Trước lo ngại của nhiều phụ huynh khi phải gửi con để đi làm, Phòng GDMN, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm dịp hè. Với lực lượng ngoài ngành như nhóm trẻ gia đình trong những ngày này dù được coi là thời gian làm thêm nhưng mọi yếu tố, trong đó công tác an toàn, phòng chống tai nạn cho trẻ được đặt lên hàng đầu


Theo Báo Công an nhân dân.