Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Điểm sáng của giáo dục ngoại thành


Xác định nhân tố con người là nền tảng cho sự phát triển, những năm qua, công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm, chăm lo.


Xác định nhân tố con người là nền tảng cho sự phát triển, những năm qua, công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm, chăm lo. Nhờ vậy, ngành giáo dục của huyện đã có nhiều khởi sắc, dù vẫn còn đó không ít những trăn trở.


Kết quả đáng khích lệ
Sau khi chia tách để thành lập quận Long Biên vào ngày 1/1/2004, huyện Gia Lâm còn 72 trường với khoảng 40.000 học sinh, nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn và ngày càng xuống cấp. Toàn huyện khi đó chỉ có hai trường đạt chuẩn quốc gia là trường Tiểu học Dương Xá và trường Mầm non Phù Đổng. Bằng những nỗ lực không ngừng và sự quan tâm của TP, thời gian qua, ngành giáo dục huyện đã có những tiến bộ. Cụ thể, năm 2008, Gia Lâm là địa phương đầu tiên của TP hoàn thành việc xóa bỏ phòng học cấp 4 ở tất cả các cấp. Hiện, 100% số xã, thị trấn đã có trung tâm học tập cộng đồng. Những năm qua, tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp luôn đạt 100%, tốt nghiệp THCS xấp xỉ 98%, tốt nghiệp THPT trên 90%... Kết thúc năm 2013, Gia Lâm có 21/22 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục ở cả 4 cấp học (hiện chỉ còn xã Ninh Hiệp chưa đạt phổ cập giáo dục bậc THPT). Gia Lâm cũng là một trong số ít đơn vị 7 năm liền được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối huyện.


Giờ vui chơi của trẻ tại trường Mầm non Cổ Bi. Ảnh: Lâm Nguyễn


Cô Đàm Thị Kim Thanh - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm chia sẻ, những kết quả nêu trên là sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể 3.821 cán bộ - giáo viên - nhân viên và 48.886 học sinh trong suốt hơn 10 năm qua. Nền nếp, kỷ cương học tập ở các trường luôn được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, học sinh trên địa bàn huyện thường xuyên đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP. Điển hình như năm học 2013 - 2014 vừa qua, 105 học sinh của huyện dự thi học sinh giỏi lớp 9 cấp TP các môn văn hóa và kỹ thuật đã giành tới 54 giải; Thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tiểu học TP đạt 42 giải. Cùng với đó, văn hóa, giáo dục thể chất cũng được ngành giáo dục huyện đặc biệt chú trọng. Tại Hội khỏe Phù Đổng TP năm 2013, Gia Lâm đạt 29 huy chương các loại...


Bên cạnh "trò giỏi", không thể không nhắc tới vai trò và chất lượng ngày càng được nâng cao của đội ngũ giáo viên các cấp. Đến nay, 100% giáo viên trong huyện đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Mỗi năm, huyện có trên 300 sáng kiến, kinh nghiệm giảng dạy của các thầy, cô được TP xếp loại. Năm học 2013 - 2014, huyện vinh dự được Sở GD&ĐT Hà Nội khen thưởng là đơn vị xuất sắc dẫn đầu về thi giáo viên dạy giỏi cấp TP.


Cần được quan tâm nhiều hơn
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, ngành giáo dục huyện Gia Lâm vẫn còn không ít vấn đề cần nhận được sự quan tâm hơn từ lãnh đạo huyện, cũng như các sở, ban, ngành của TP.


Khó khăn nhất hiện nay của giáo dục Gia Lâm là hệ thống cơ sở vật chất cho các trường mầm non. Tại các xã như: Lệ Chi, Kiêu Kỵ... vẫn còn nhiều điểm trường phân tán nhỏ lẻ, trong khi số lượng học sinh mầm non lại tăng nhanh qua các năm (chỉ tính riêng năm 2013, số lượng trẻ mới tăng khoảng 1.000 em). Theo tính toán, toàn huyện hiện còn thiếu khoảng 120 phòng học mầm non. Công tác xã hội hóa ngành giáo dục còn nhiều khó khăn. Một số trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn chưa được quan tâm, dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp.


Ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm bộc bạch, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên bậc mầm non là vấn đề khiến lãnh đạo ngành giáo dục huyện trăn trở trong suốt nhiều năm qua. Thực tế, đối với công tác giáo dục mầm non, vai trò của những "cô nuôi" là vô cùng quan trọng, trong khi trách nhiệm liên đới cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, hiện đội ngũ "cô nuôi" không chỉ ở huyện Gia Lâm mà tại hầu khắp các trường mầm non trên địa bàn TP vẫn chỉ nhận được mức lương khá thấp (bằng lương tối thiểu nhân với hệ số 1,86), chứ chưa được hưởng phụ cấp 35% như giáo viên tiểu học và trung học. Điều này khiến đời sống của một bộ phận cán bộ, nhân viên hết sức khó khăn. Chính vì vậy, huyện kiến nghị HĐND, UBND TP quan tâm nhiều hơn tới chế độ đãi ngộ dành cho người làm công tác giáo dục mầm non, tạo động lực để cán bộ, nhân viên an tâm công tác, thực hiện ngày một tốt hơn vai trò nuôi dạy, giáo dục thế hệ trẻ.


Huyện Gia Lâm hiện có 75 trường, trong đó có 4 trường tư thục và 71 trường công lập (29 trường mầm non, 24 trường tiểu học và 22 trường THCS). Hiện, toàn huyện có 43/71 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong năm 2014, huyện phấn đấu có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường Mầm non Kim Lan, trường Tiểu học Đa Tốn và 3 trường THCS là Cổ Bi, Yên Viên, Kim Sơn.


Theo KTĐT