Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ có thể hôn mê vì ngộ độc thuốc nhỏ mũi


Thấy con nghẹt mũi không ngủ được, ông bố đã lấy lọ thuốc nhỏ mũi có sẵn trong nhà nhỏ cho con dễ thở. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 giờ đồng hồ, em bé đã bứt rứt, môi tím tái. Cha mẹ vội ôm con vào viện cấp cứu.

Cha mẹ không nên tùy tiện sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ. Ảnh minh họa


Nguy hiểm tính mạng chỉ sau 30 phút đến 2h

Trường hợp mới nhất vừa được nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM ngày 6/6 là bệnh nhi T.H.T.B (2 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Bé B nhập viện trong tình trạng vã mồ hôi, cao huyết áp, nhịp tim nhanh, co mạch sau khi được bố nhỏ thuốc nhỏ mũi. Theo các bác sĩ, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi dễ bị xuất huyết não gây tử vong.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã cấp cứu một số trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Theo lời của mẹ bé L (3tuổi), trú tại quận 1 cho biết: Bé L bị nghẹt mũi nhiều ngày, ăn uống rất khó khăn do bé chỉ thở bằng đường miệng. Thấy con nghẹt mũi mãi không khỏi, bố của bé liền đem lọ thuốc nhỏ mũi có sẵn trong nhà nhỏ cho con mấy giọt vào mỗi bên mũi. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau, bé L có biểu hiện bứt rứt, vật vã, thở nấc. Thấy vậy, gia đình vội vàng ôm con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.

BS Hải Thoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Cả hai cháu bé ở trên đều nhập viện trong tình trạng bị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim do ngộ độc chất Naphazolin, thành phần chính trong một loại thuốc nhỏ mũi của người lớn.

Cũng theo BS Hải Thoa, thành phần Naphazolin chứa trong thuốc nhỏ mũi của người lớn mà hai cháu nhỏ sử dụng có tác dụng giúp giảm nhanh nghẹt mũi nhờ tác dụng co mạch. Nhưng cũng chính chất này sẽ gây nguy hiểm nếu dùng cho trẻ nhỏ. Biểu hiện của ngộ độc thành phần Naphazolin có trong thuốc nhỏ mũi của người lớn là vã mồ hôi, bứt rứt hôn, mê, thở chậm... rất nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch sau 30 phút đến 2 giờ sử dụng. Các biểu hiện cho thấy trẻ bị ngộ độc là vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhanh chóng rơi vào trạng thái lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều. Những triệu chứng trên có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài việc không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ, ngay cả thuốc nhỏ mũi của trẻ cũng được khuyến cáo chỉ nên dùng trong thời gian vài ngày theo chỉ định của bác sĩ. Các bậc cha mẹ không tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con và cũng không được sử dụng dài ngày một loại thuốc nhỏ mũi vì sẽ khiến các bệnh về mũi của trẻ tăng nặng.

Làm sạch mũi cho trẻ bằng cách nào?

Sổ mũi là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ ngạt mũi, ho, nôn trớ. Vì vậy, vệ sinh mũi cho trẻ rất quan trọng.

Theo BS Nguyễn Đức Thường (Bệnh viện Nhi Trung ương), nước muối biển đẳng trương (nước muối sinh lý) là dung dịch để vệ sinh mũi, có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi trong trường hợp không khí khô và ô nhiễm, làm long đờm, loãng đờm khi mũi bị viêm. Sử dụng nước muối để vệ sinh mũi rất an toàn, không có tác dụng phụ. Nên vệ sinh mũi khi trẻ có các biểu hiện hoặc mắc các bệnh về viêm đường hô hấp như: Chảy nước mũi, ngạt mũi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ho, viêm tai giữa... khi trẻ đi ngoài đường về, nhất là đi bằng xe gắn máy.

Nên vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho ăn 30 phút để tránh nôn trớ. Nếu trẻ bị nôn trớ thì nên vệ sinh ngay vì thức ăn kèm dịch vị dạ dày sẽ bám trên mũi, là nguyên nhân gây viêm dai dẳng ở trẻ em. Khi vệ sinh mũi, nên đặt trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên. Đặt vòi phun chai nước muối biển vào sát vách lỗ mũi, xa vạch an toàn sau đó ấn nhẹ dứt khoát liên tục trong 2-3 giây. Nên chọn lọ nước muối biển mà khi ấn liên tục vào vòi xịt thì xịt được liên tục. Sau khi xịt mũi 5 phút, dùng dụng cụ hút mũi hút sạch dịch nhầy ở hai lỗ mũi. Sau đó mới cho trẻ ăn. Không nên dùng miệng để hút mũi trẻ vì sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ.Với trẻ lớn hơn, có thể để trẻ ngồi, nghiêng đầu sang một bên để xịt. Sau đó thì xì sạch mũi.

Nếu không dùng bình xịt, có thể thay thế bằng cách dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mũi cho trẻ theo các bước như trên, sau đó xì sạch mũi ra. Lưu ý khi trẻ xì mũi, nên hướng dẫn trẻ dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, hỉ mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại. Tuyệt đối không nên để trẻ hỉ mũi thật mạnh cả hai bên vì động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng khăn giấy mềm, dai làm bấc sâu kén đặt vào hốc mũi của trẻ để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lập lại các bước này cho đến khi sạch mũi.

Minh Châu(Giadinh.net.vn)