Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP.HCM thông qua nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non


Sáng 14-6, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp thứ 13 khóa VIII với chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN)".


HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ GDMN TP.HCM. Theo đó, HĐND TP thống nhất tăng tỉ lệ cơ sở GDMN công lập trên địa bàn TP đến năm 2020; tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi, ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo; phấn đấu đến năm học 2016-2017 triển khai đại trà mô hình này tại 24 quận huyện.


Trước đó, báo cáo thẩm tra công tác quản lý nhà nước về GDMN tại TP.HCM, ông Huỳnh Công Hùng, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP, cho biết Ban văn hóa - xã hội đã tiến hành 16 cuộc khảo sát, làm việc với các quận huyện, sở, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực GDMN, đồng thời nêu một số kết quả khả quan của GDMN TP trong thời gian qua. "Tuy nhiên, do tình hình tăng dân số cơ học diễn tiến quá nhanh dẫn đến số lượng trẻ trong tuổi mầm non tại các quận huyện tăng cao. Tại một số địa phương, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi dạy trẻ, nhất là tại cơ sở mầm non ngoài công lập chưa chặt chẽ; thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát; công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên chưa kịp thời..." - ông Hùng nhận định.


Có nên giữ trẻ 6 tháng tuổi?
Trong phần thảo luận, đại biểu Lâm Thiếu Quân tỏ ra băn khoăn: "Việc nuôi dạy trẻ dưới 12 tháng tuổi tốn chi phí cao mà rủi ro cũng lớn. Ở lứa tuổi này, nuôi dạy tại gia đình là tốt nhất. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng không kham nổi việc mở nhà trẻ công lập để tiếp nhận học sinh, còn ta "tăng tỉ lệ học sinh học nhà trẻ tại trường mầm non công lập lên 40%" tôi e là khó. Chưa kể ta lại đang thiếu giáo viên".


Đại biểu Từ Minh Thiện cũng đặt câu hỏi: "TP đang chịu sức ép về dân số rất nhiều. Dựa trên cơ sở nào mà UBND TP đưa ra con số tăng tỉ lệ trẻ học mẫu giáo tại trường công lập lên 60%?". Đại biểu Tô Thị Bích Châu phát biểu: "Việc các trường mầm non công lập nhận trẻ 6 tháng tuổi là một hành động nhân văn, thể hiện sự quan tâm của TP đối với trẻ em. Tuy nhiên, tôi không thấy nước nào giữ trẻ 6 tháng tuổi. Nhiều năm nay, cấp học mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất. Như năm học 2014-2015, quận 4 thiếu 48 giáo viên mầm non nhưng hiện mới chỉ có sáu hồ sơ dự tuyển".


Trước sự băn khoăn đó, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu lãnh đạo các quận huyện có ý kiến về việc xã hội có nhu cầu thật sự về gửi trẻ từ 6 tháng tuổi hay không? Bà Đặng Thị Hồng Liên, chủ tịch UBND quận 9, khẳng định: "Nhu cầu gửi trẻ 6 tháng tuổi ở địa phương chúng tôi rất nhiều". Ông Huỳnh Thanh Nhân, chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cũng cho biết: "Nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi ở Thủ Đức là rất lớn. Hiện trên địa bàn có hơn 5.000 cháu độ tuổi 6-36 tháng".


Nhu cầu có thật
Bà Quyết Tâm phân tích: "Xét trong điều kiện cụ thể của TP thì đây (gửi trẻ 6 tháng tuổi - PV) là yêu cầu có thật. Chúng ta không chỉ làm thay cho các gia đình không có điều kiện chăm sóc con trẻ ở nhà mà cần nghĩ đến quyền được chăm sóc của trẻ. Trong điều kiện phụ huynh không có người trông trẻ ở nhà, nếu Nhà nước không đứng ra làm (nhận trẻ vào trường công lập), phụ huynh sẽ phải đem con đi gửi lay lắt ở những nơi thiếu chuyên môn rất nguy hiểm. Tôi cũng được biết nhiều nước không có chính sách nhận học sinh nhà trẻ vào trường công lập. Nhưng có nước cho người mẹ được nghỉ làm ba năm để sinh con và chăm sóc con. Nước mình không có điều kiện để làm như thế. Tôi còn nhớ hồi mới giải phóng, TP ta từng có những nhà trẻ rất quy mô, không chỉ giữ trẻ 6 tháng tuổi mà nhận giữ cả trẻ 2-3 tháng tuổi mà chất lượng chăm sóc rất tốt". Theo bà Quyết Tâm, cần thiết phải giữ trẻ 6 tháng tuổi trong trường công lập.


Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP, giải thích: "Ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân TP rằng trẻ nhỏ nếu được chăm sóc tại nhà là tốt nhất, trẻ được nuôi dưỡng trong vòng tay ông bà, người thân sẽ hình thành nhân cách tốt hơn. Vì vậy nếu có đủ điều kiện, phụ huynh nên để trẻ được chăm sóc tại gia đình, đây là kết quả nghiên cứu của khoa học chứ không phải tôi nói cảm tính. Cũng cần xác định rõ việc nhận trẻ 6 tháng tuổi vào trường công lập nhằm phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân lao động, công chức, viên chức không có điều kiện, hoặc không tìm được người giữ trẻ tại nhà".


Lấy nguồn giáo viên từ nhân viên điều dưỡng
Tại cuộc họp, ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP - cho biết: "Không thể nói con em của người dân nhập cư thì họ phải tự lo. TP phải có trách nhiệm vì họ là lực lượng lao động phục vụ và góp phần cho sự phát triển kinh tế của TP. Có đại biểu đặt câu hỏi: TP đang thiếu 2.000 giáo viên mầm non, làm sao giải quyết vấn đề này? Hiện TP đang trình Bộ GD-ĐT xin mở mã ngành đào tạo trung cấp trong Trường ĐH Sài Gòn. Trước mắt, TP sẽ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cô nuôi dạy trẻ trong sáu tháng với nguồn là số học viên đã tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng. Số này mặc dù đã tốt nghiệp nhưng không xin được việc làm tại các bệnh viện hiện khá đông".


Chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non

"Về các chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, HĐND TP thống nhất hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở các cơ sở mầm non ngoài công lập 200.000 đồng/trẻ/tháng, chi kinh phí từ ngân sách nhà nước (1,8 triệu đồng/người/khóa học sáu tháng) để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hằng năm.


Riêng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở GDMN công lập thì được hỗ trợ 25% tiền lương. Đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm, lớp 6-18 tháng tuổi: hỗ trợ 35% tiền lương. Đối với giáo viên mầm non mới ra trường, nếu được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (1.150.000 đồng) trong năm học 2014-2015, 70% lương cơ sở trong năm học 2015-2016, 50% lương cơ sở trong năm học 2016-2017. Từ năm thứ tư sau khi được tuyển dụng sẽ hưởng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.
(Trích nghị quyết của HĐND TP.HCM)

 

Theo TT