Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TPHCM thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi - Bài 1: Chạy đua với thời gian


Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa thông qua Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM, trong đó có việc thí điểm nhận giữ trẻ 6 đến 18 tháng tuổi từ năm học 2014 - 2015 ở 8 quận, huyện gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7 và quận 12. Từ đây đến ngày khai giảng năm học mới còn chưa đầy 3 tháng, các địa phương đang ra sức triển khai với không ít nỗi lo...


Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội (quận 4, TPHCM) vui chơi trong sân trường. Ảnh MAI HẢI


Gấp rút đào tạo giáo viên
Thống kê từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TP hiện có 99.594 trẻ trong độ tuổi từ 6 - 18 tháng tuổi. Tuy nhiên đến nay, không một trường mầm non công lập nào trên địa bàn TP nhận giữ trẻ ở nhóm tuổi này, dù theo quy định của Luật Lao động, lao động nữ chỉ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Các trường ngoài công lập tuy có nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi nhưng số lượng rất hạn chế, mới giải quyết được 4,5% nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn. Lý giải thực trạng đó, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM hiện còn thiếu hơn 4.000 giáo viên mầm non ở cả hệ công lập và ngoài công lập. Nếu triển khai thêm các lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi với yêu cầu một cô không được chăm sóc quá 4 bé thì gần như không "đào" đâu ra nguồn tuyển giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ ở nhóm tuổi đặc thù này.


Còn theo ông Bùi Ngọc Âu, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM, một trong những thiếu sót của phân bổ chương trình sư phạm hiện nay là không có học phần đào tạo giáo viên giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi nên khi mở lớp rất khó tuyển đủ giáo viên. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn bày tỏ: "Lâu nay các trường mầm non không mở lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi do ngộ nhận trường sư phạm không đào tạo đối tượng này. Song thực tế, chương trình học của một cử nhân sư phạm luôn có học phần chăm sóc trẻ từ 3 - 18 tháng nhưng chỉ được học trên lý thuyết chứ ít thực hành, khiến hiệu quả đào tạo không cao".


Như vậy, trong khi trường mầm non kêu không thể mở lớp vì thiếu giáo viên thì các cử nhân sư phạm tốt nghiệp ra trường không tìm được "đất" dụng võ. Trước tình trạng đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã "chữa cháy" bằng cách phối hợp với 2 trường ĐH Sư phạm TPHCM và Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM biên soạn chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên mầm non ngay trong dịp hè. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, phân tích: "Giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi chủ yếu tập trung nhiều ở phần "nuôi", khác rất nhiều so với việc kết hợp hai phần "nuôi" và "dạy" ở các nhóm tuổi cao hơn. Do đó, các khóa bồi dưỡng hè sẽ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng chăm sóc và xử lý tình huống cho giáo viên ở 8 quận, huyện ngoại thành được chọn thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi". Dự kiến khóa học sẽ triển khai vào nửa cuối tháng 6, kéo dài đến hết tháng 7-2014. Trên cơ sở kết quả thí điểm ở 8 địa phương, năm học 2015 - 2016 sẽ có thêm 4 quận thực hiện thí điểm gồm quận 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình, tiến đến mục tiêu 100% quận, huyện trên địa bàn TPHCM có trường nhận giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi vào năm học 2016 - 2017.


Sắp xếp lại cơ sở vật chất

Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết, trong năm đầu tiên thực hiện thí điểm, quận đã chọn 3 trường mầm non, gồm: Mầm non Linh Xuân (phường Linh Xuân), Mầm non Hoa Mai (phường Bình Chiểu) và Mầm non Hiệp Bình Chánh 4 (phường Hiệp Bình Chánh) mở các lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. "Cả ba đều là trường công lập. Trong đó, hai trường ở phường Linh Xuân và Bình Chiểu sẽ giải quyết nhu cầu gửi con của công nhân KCN Linh Trung - Linh Xuân và KCN Bình Chiểu. Riêng với trường ở phường Hiệp Bình Chánh do nằm trên khu vực tái định cư, dân số tập trung cao nên nhu cầu gởi con sẽ rất lớn", ông Tuấn cho biết. Đây cũng là địa phương có số lượng trường tham gia đề án thí điểm cao nhất TPHCM.


Ở quận 12 và huyện Bình Chánh, mỗi nơi chỉ chọn 1 trường tham gia thí điểm. Nếu quận 12 chọn Trường mầm non Sơn Ca 8 (phường An Phú Đông) mới đưa vào sử dụng từ năm 2012 thì huyện Bình Chánh chọn trường mới toanh, vừa hoàn tất công trình xây dựng và sẽ bắt đầu chiêu sinh từ năm học 2014 - 2015 ở xã Vĩnh Lộc A. Riêng với quận Tân Phú, bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT quận cho biết hai trường đầu tiên được "gọi tên" thí điểm là Mầm non Hoa Anh Đào ở phường Tân Thành và Mầm non Phượng Hồng - vốn là trường chuẩn quốc gia ở phường Phú Trung. "Sở dĩ chúng tôi chọn hai trường ở hai điều kiện khác nhau, một đã được công nhận chuẩn quốc gia và một chưa đạt chuẩn là do muốn so sánh thế mạnh, điểm yếu riêng của từng loại hình khi tham gia thí điểm để rút kinh nghiệm. Sau này khi áp dụng đại trà, địa phương sẽ không lúng túng trong việc triển khai thực hiện", bà Phượng bày tỏ. Trước lo ngại của phụ huynh về việc ảnh hưởng số lượng các lớp mầm non 5 tuổi khi địa phương tham gia thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, bà Phượng khẳng định: "Nếu biết cách sắp xếp, việc triển khai thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi sẽ không ảnh hưởng đến chủ trương phổ cập 5 tuổi của TP". Cụ thể, đối với Trường Mầm non Hoa Anh Đào, nhóm nhà trẻ trước đây chia làm 2 độ tuổi từ 18 - 24 tháng và từ 24 - 36 tháng tuổi nhưng số lượng trẻ nhập học chưa đạt công suất tối đa nên nay bổ sung thêm nhóm 6 - 18 tháng tuổi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh của nhà trường. Trong khi đó, Trường Mầm non Phượng Hồng sẽ được sắp xếp lại theo hướng tận dụng một số phòng chức năng làm nơi giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi.


Theo SGGP