Trong khi nhiều Cty (hãng sữa) và các đại lý phân phối đã bắt đầu áp dụng giá trần bán lẻ sữa theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, thì vẫn còn hãng sữa, cửa hàng bán lẻ chưa tuân thủ quy định này, lấy lý do theo QĐ 1079, chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày 1.6, với giá bán buôn và sau 20 ngày với giá bán lẻ, 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới chính thức có hiệu lực thi hành.
Vẫn còn Vinamilk chưa áp giá trần sữa theo quy định.
Hàng loạt nhãn sữa giảm giá "về trần"
Theo ghi nhận của PV, ngày 8.6, tại thị trường TPHCM, mặc dù chưa đến thời điểm hạn chót phải giảm giá sữa, áp dụng mức giá tối đa theo quy định, nhưng một số nơi đã giảm giá sản phẩm. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn Co.op cho biết, từ ngày 3.6, tại các siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ và cửa hàng Co.op đã thực hiện đăng ký và áp dụng giá bán lẻ mới cho 10 sản phẩm sữa, gồm có 5 sản phẩm của các nhà cung cấp 3A (cung cấp các sản phẩm của Abbott); 5 sản phẩm (theo mẫu cũ) của nhà cung cấp Tiên Tiến (cung cấp các sản phẩm của Mead Johnson). Từ ngày 5.6, thêm 2 sản phẩm của nhà cung cấp Nestle cũng áp dụng giá bán lẻ mới. Trung bình các sản phẩm sữa trên khi áp dụng giá bán lẻ mới có mức giảm giá từ 38.000 - 205.000 đồng/hộp. Các mức giảm giá này bằng đúng với mức giảm giá nhà cung cấp áp dụng cho nhà phân phối là Saigon Co.op.
Tại thị trường Hà Nội, 5 mặt hàng thuộc hãng sữa Abbott đã có mức giá mới, thấp hơn so với giá trước đây. Theo chủ các đại lý, việc giảm giá sữa Abbott đã bắt đầu kể từ ngày 28.5 với mức giảm từ 10-15%, đến 1.6, hầu hết các cửa hàng đã chuyển đổi sang giá mới hoàn toàn. Cụ thể: Grow G-Power Vanilla 900gr giảm còn 372.600 đồng/lon, Grow G-Power Vanilla 1700gr giảm còn 631.400 đồng/lon, Abbott Grow 3 (900gr) giảm xuống còn 267.900 đồng/lon, mỗi loại sữa này giảm giá từ khoảng 50.000-105.000 đồng/lon. Mead Johnson cũng giảm giá một số sản phẩm: Enfagrow A +3 loại 1,8kg giảm còn 175.000 đồng/hộp trong khi giá trước đây là 410.000 đồng/hộp; loại Enfamil A 900gr giảm còn 153.000 đồng/hộp... Các loại sữa như Similac Gain Kid IQ 4, Friso Gold cũng được áp giá trần vào ngày 2.6. Tính ra, mỗi loại sữa đều được giảm giá từ 10-15% so với mức giá cũ. Riêng nhãn hàng Nestle, ngày 4.6, đã công bố giảm giá 5 sản phẩm với mức giảm trung bình từ 17- 26%.
Vinamilk chưa giảm về giá trần
Theo nhân viên tại một số cửa hàng sữa trên phố Thanh Nhàn, Tây Sơn (HN), thì hiện trên thị trường chỉ còn các sản phẩm của Cty CP sữa VN (Vinamilk) vẫn chưa có giá mới thực hiện việc áp giá trần. Lý giải nguyên nhân vì sao Vinamilk chưa giảm giá sữa theo quy định, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại Vinamilk - trả lời trên báo chí: Hiện Vinamilk đang chờ văn bản trả lời của Bộ Tài chính để xem xét lại vấn đề của Vinamilk. Lâu nay giá các sản phẩm vốn đã thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại, nay tiếp tục phải giảm giá với tỉ lệ phần trăm như nhau sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng. Bởi trên thực tế, giá sữa bột của Vinamilk đang ở mức thấp hơn một nửa so với các sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng. Cho nên, nếu áp giá trần xuống thấp hơn 20% so với giá hiện hành đối với một số sản phẩm là bất ổn vì không có sự công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng sữa.
Tại nhiều cửa hàng bán lẻ, các sạp chợ tại TPHCM, việc giảm giá bán lẻ các sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng chưa giảm mạnh như các siêu thị. Dạo quanh các cửa hàng sữa khu vực quanh Bệnh viện Phụ sản Quốc tế, BV Từ Dũ, BV Nhân dân Gia Định cho thấy, các sạp hàng này chỉ mới giảm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/hộp chứ chưa giảm giá đáng kể. Khi hỏi tại sao chưa giảm giá sữa, một đại lý trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) cho biết: "Hiện nay, hầu như cửa hàng nào cũng còn hàng tồn với giá nhập vào trước đây cao nên chưa thể giảm giá ngay cho lô hàng cũ. Để đẩy nhanh hàng tồn giá cao, hiện cửa hàng đã phải bán giảm 10.000 - 20.000 đồng/hộp, coi như chúng tôi giảm phần lợi nhuận của mình để giảm giá cho khách hàng". Chính điều này lại đang tạo sự chênh lệch giá của cùng sản phẩm sữa trên thị trường, người tiêu dùng mua tại điểm bán này có thể rẻ hơn điểm bán khác tới vài chục ngàn đồng/hộp.
Sau ngày 21.6, Bộ Tài chính mới quyết định xử phạt
Trả lời phóng viên Lao Động ngày 8.6, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chưa có DN nào bị xử phạt do Quyết định 1079/QĐ-BTC quy định áp trần bán lẻ đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chậm nhất kể từ ngày 21.6.2014. Như vậy, phải sau ngày 21.6, DN nào thực hiện sai quy định của cơ quan quản lý về giá sữa thì mới bị xử phạt. Việc xử phạt DN cũng được thực hiện theo các quy định trong Luật Giá. Hiện nay, Bộ Tài chính đã tiếp nhận đăng ký giá của 5/6 DN thuộc diện phải đăng ký với bộ đã thực hiện việc áp trần giá sữa theo quy định. Lê Tuấn
Theo LĐ