Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng ngừa bệnh “chân, tay, miệng”


Bệnh “chân tay miệng” chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lây rất nhanh, dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ.

Những dấu hiệu đặc biệt

Bệnh “chân, tay, miệng” thường xuất hiện 2 đợt mỗi năm. Đợt đầu từ tháng 3 đến tháng 5, đợt sau từ tháng 9 đến tháng 11.

Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày, trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân.

Chỉ vài ngày sau đó  sẽ có sự hiện diện của các bọng nước mầu xám, hình bầu dục, thấy rõ ở niêm mạc miệng, mặt trong má, mặt bên của lưỡi , lợi, vòm miệng…Và cuối cùng là các bọng nước ở gan bàn chân và  lòng bàn tay. Các bọng nước này có thể tự xẹp sau 5-7 ngày nhưng cũng có thể bị giập vỡ rồi tạo ra những vết loét đau rát. Thông thường bệnh đều tự khỏi sau 7- 10 ngày và ít xảy ra biến chứng nhưng nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo bệnh nhi  có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm cơ tim…dẫn đến tử vong rất nhanh.

Chăm sóc và điều trị bệnh

Bệnh “chân, tay, miệng” hiện chưa có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh nên các biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là chăm sóc người bệnh.

Bố mẹ nên cho trẻ dùng thuốc làm giảm các triệu chứng do các vết thương loét gây ra. Bên cạnh đó, cha mẹ nên bôi các dung dịch sát khuẩn vết thương ngoài da để tránh bội nhiễm. Tuyệt đối không trích, chọc các bọng nước khiến vết thương bị nhiễm trùng.

Vì đây là thời điểm đề kháng trong cơ thể bệnh nhi suy giảm nên cha mẹ cần hết sức chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ,  nên cho trẻ nằm ở phòng thoáng, sáng sủa và không có gió lùa. Buổi sáng và tối trước khi đi ngủ hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối nhạt và lau người bằng nước ấm.

Lưu ý, khi lau rửa phải thật nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các bọng nước hoặc làm xây xước da. Trong những ngày này nên thay quần áo cho trẻ thường xuyên và cắt móng tay, đề phòng trẻ gãi làm tổn thương da gây nhiễm khuẩn.

Ngoài việc chăm sóc vệ sinh, cha mẹ cần tìm cách nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhẹ, đủ chất và cho uống nhiều nước.

Bên cạnh đó, hãy theo dõi các thương tổn trên da và các diễn biến của bệnh. Nếu thấy trẻ sốt cao lên, khó ngủ, lơ mơ hay giật mình co giật hoặc các bọng nước có mủ, máu là bệnh đã nặng và có biến chứng phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Biện pháp phòng ngừa

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy vac-xin phòng chống Enterovirus 71 gây ra  bệnh “chân, tay, miệng”, chính vì vậy, việc để phòng là rất cần thiết. Có thể thấy bệnh này do nhóm virut đường ruột gây ra nên việc lây truyền qua đường tiêu hoá rất quan trọng.

Cách phòng bệnh tốt nhất là mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ phải được ăn chín, uống sôi, không nên cho trẻ ăn đồ tái, sống như phở bò tái, gỏi cá và những thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Nhất thiết phải hướng dẫn trẻ có thói quen rửa tay với nước sạch và xà phòng trước khi ăn hoặc  sau khi đại tiện.

Khi nơi ở có dịch bệnh hoặc người mắc bệnh “chân, tay, miệng”, người lớn cần chú ý không để trẻ khoẻ mạnh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh vì đây là bệnh lây rất nhanh và mạnh ở tuần đầu tiên.

Đặc điểm của bệnh là kéo dài nhiều tuần lễ, sau đó bệnh nhân vẫn đào thải virus qua phân, nước bọt, nước mũi và nươc tiết dịch từ các bọng vỡ hoặc do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virut nên việc cách ly trẻ bị bệnh là cần thiết vì sẽ làm giảm nguy cơ lan truyền của mầm bệnh cho những trẻ em khác.

Đặc biệt, trong các trường hợp trẻ đang đi học hoặc đi mẫu giáo mà mắc bệnh, các thầy cô cần kiên quyết yêu cầu bố mẹ trẻ phải để con nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan cũng như biến chứng cho trẻ bị bệnh.

BS Kim Minh
Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm)
Dân Trí