Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tuyển sinh đầu cấp: Đến hẹn lại thấy... quá tải


Dân số đông, dân nhập cư mỗi năm một nhiều trong khi trường lớp xây mới thêm có hạn. Thực trạng khiến không ít trường học luôn chịu cảnh quá tải, dù không nằm tại quận trung tâm cũng không phải thuộc tốp các "trường điểm"...


Trường TH Lê Văn Tám (Q.Tân Phú, TP.HCM) là một trong những trường chịu áp lực về quá tải học sinh do dân nhập cư đông. Ảnh: N.Trinh


Một ấp có trên 830 cháu ra lớp 1!
Trường Tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) nổi tiếng khắp cả nước là trường đông học sinh (HS). Trường chỉ có hơn 50 phòng học nhưng mỗi năm thực hiện giảng dạy đến trên dưới 90 lớp với hơn 4.000 HS. Đầu vào lớp 1 hàng năm luôn trên 20 lớp. Năm học này, toàn quận có 19 trường tiểu học, chỉ tiêu tuyển 8.715 trẻ vào lớp 1 thì Trường An Hội chiếm đến 1.035 em, tương đương 23 lớp (tăng 1 lớp so với năm học trước). Theo đó sĩ số mỗi lớp cứ vào 45 đến 50 em. Hoàn cảnh "đông con" luôn khiến Ban giám hiệu không tránh khỏi đau đầu. Cô Huỳnh Thị Thủy Ngân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, số lượng HS quá đông khiến đội ngũ Ban giám hiệu gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, phân bổ hoạt động dạy học. Việc tổ chức các hoạt động phong trào... mất nhiều thời gian, khá vất vả. Nhà trường luôn phải chú trọng vào hoạt động của đội ngũ cán bộ tổ, khối để công việc được dễ dàng hơn.


Trường An Hội là trường thuộc địa bàn có dân nhập cư đông, chiếm khoảng 40%. Hàng năm ngoài việc nhận hết số trẻ trong phường 8, trường còn nhận thêm một số trẻ trong phường 12. Vì thế trường đã đông lại càng đông hơn và đội ngũ Ban giám hiệu ngôi trường này cũng lên đến 4 người. Ngoài ngôi trường này, Trường Phan Chu Trinh, Võ Thị Sáu trong địa bàn quận cũng nổi tiếng đông HS. Đầu năm học này, các trường tuyển với số lượng hơn 700 trẻ lớp 1.


Tại Q.Thủ Đức, Trường Tiểu học Bình Triệu nằm trong địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, nơi có nhiều khu công nghiệp thu hút dân cư các tỉnh, thành đổ về sinh sống. Cộng với một số năm gần đây, dân thuộc một số khu vực trong thành phố bị giải tỏa cũng đổ về. Bằng chứng là hiện có rất nhiều chung cư đã và đang xây mới đưa vào sử dụng. Hệ lụy kéo theo là năm nào các trường cũng chịu cảnh quá tải mặc dù trong phường có đến 2 trường tiểu học. Cô Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Triệu tâm tư: Cuối năm học 2013-2014 có khoảng 500 HS lớp 5 ra trường nhưng số HS lớp 1 tiếp nhận sắp tới khoảng 600 em, tăng hơn so với năm trước khoảng 100 em. Số phòng học không tăng, vẫn 38 phòng so với mọi năm. Và hiển nhiên sĩ số mỗi lớp khó tránh được con số ngoài 50. "Chẳng phải năm "heo vàng" hay "rồng vàng" nhưng đầu vào năm học nào cũng đông. Cứ đến dịp tuyển sinh là nhà trường lại nan giải trong việc sắp xếp, tổ chức lớp học", cô Thuận tâm sự.


Cảnh ngộ mỗi năm trường lớp càng chật chội hơn cũng xảy ra tại các quận ven, huyện ngoại thành như: Q.8, 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh... Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, chia sẻ, chỉ tính riêng các xã, cụ thể là Vĩnh Lộc A dân số lên đến hơn 80.000 hộ. Con số này đông gấp nhiều lần các khu vực khác, trong số đó dân nhập cư khá đông bởi xung quanh khu công nghiệp được xây dựng nhiều. Vì thế các trường như Tiểu học Vĩnh Lộc A, 1, 2 thường trong tình trạng quá tải... Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của huyện Bình Chánh, năm học này có khoảng 6.260 HS lớp 5 ra trường nhưng có đến 8.482 trẻ vào lớp 1; trong đó chỉ riêng ấp 4, xã Vĩnh Lộc B theo thống kê đã có trên 830 em chuẩn bị vào lớp 1.


Giảm bán trú, tăng lớp 1 buổi
Có thể nói trước tình hình dân số tăng cơ học quá đông đã khiến ngành giáo dục thành phố luôn chịu áp lực đông HS. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, hàng năm nhiều phòng học được xây mới đưa vào sử dụng nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu dân số gia tăng. Hiện tại khối tiểu học có khoảng 500 trường, theo đó mỗi năm có đến trên 530.000 HS học tập, trong đó có khoảng trên 100.000 trẻ vào lớp 1 mỗi năm.


Một trong những giải pháp mà các trường "đông con" thực hiện để tháo gỡ khó khăn đó là tìm cách gửi bớt số lượng HS sang cơ sở khác học tập, hoặc giảm triệt để lớp bán trú, tăng lớp 1 buổi. Như Trường An Hội, năm học vừa rồi, trường thực hiện gửi 10 lớp 1 sang học nhờ tại cơ sở Trường THCS Tân Sơn. Dự kiến năm nay trường tiếp tục gửi nhờ 10 lớp 1 để giảm bớt số lượng. Tuy nhiên con số này vẫn không thấm vào đâu vì thế trường vẫn phải thực hiện nhiều lớp 1 buổi. Số lớp bán trú vẫn chỉ khoảng hơn chục lớp, ưu tiên cho con em bộ đội, công an, giáo viên... như mọi năm. HS nào rơi vào lớp 1 buổi bắt buộc phải chấp nhận. Hay Trường Bình Triệu cũng chỉ mở số lớp 2 buổi đếm trên đầu ngón tay, còn lại là 1 buổi. Năm nay dự kiến có 12 lớp 1 thì có đến 8 lớp 1 buổi, còn lại 4 lớp 2 buổi. Ngoài ra, những lớp bổ túc văn hóa, trường vẫn phải thực hiện giảng dạy vào buổi tối.


Cô Thủy Ngân cho biết: "Biết là tổ chức lớp 1 buổi sẽ gây không ít khó khăn cho phụ huynh vì nhiều gia đình bận công việc cả ngày, nhu cầu bán trú rất đông. Tuy nhiên điều kiện nhà trường không cho phép thực hiện bán trú nên đòi hỏi phụ huynh buộc phải thông cảm, chấp nhận". Cũng theo cô Thủy Ngân, một số hộ dân xung quanh trường nắm bắt được nhu cầu bán trú của phụ huynh nên mở ra không ít cơ sở trông nom các em. Theo đó nhiều phụ huynh đã đăng ký gửi con vào đây.


Ngoài việc chịu áp lực dân nhập cư tăng thì tại một số trường giáp ranh giữa 2 quận huyện cũng luôn chịu cảnh lớp ít, HS đông do HS từ quận huyện này chạy sang quận huyện khác học. Đơn cử Q.8, số HS thuộc địa bàn Bình Hưng, Bình Chánh (thuộc huyện Bình Chánh) thường đổ ngược sang Q.8 học. Hoàn cảnh này cũng buộc các quận huyện tìm cách giải quyết thấu đáo. Ông Phạm Ứng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 cho hay, phần lớn những HS này nếu học đúng tuyến thì khá xa, ngược lại sang Q.8 lại gần hơn. Kéo theo đó áp lực HS đông luôn diễn ra quanh khu vực này. Hoàn cảnh này cũng gây khó khăn cho quận vì nếu giải quyết không chặt chẽ dễ dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các em, quận luôn phải cố gắng giải quyết, phân bổ một cách hợp lý nhất.


Theo Giáo dục Online.