Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nơi no dồn, chỗ đói góp


Hè về, vùng thành thị có hàng loạt các chương trình phục vụ thiếu nhi. Trong khi đó, trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi thì ngược lại, vẫn "đói" văn hóa, nghệ thuật.


Trẻ em nông thôn "đói" các chương trình giải trí như thế này


Ở Hà Nội, hàng loạt chương trình đặc biệt dành tặng các bé trong thời gian này như vở kịch hát "Những điều ước thần kỳ" của Nhà hát Chèo Hà Nội với câu chuyện nàng Lọ Lem do NSƯT Minh Vượng trực tiếp viết kịch bản và vào vai Bà Tiên hài hước, thông minh, dí dỏm.


Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu vở "Vua lợn". Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần"; chương trình "Thiên đường tuổi thơ" với chủ đề "Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình"; chương trình trình diễn bong bóng nghệ thuật của huyền thoại bong bóng Fan Yang.


Liên đoàn Xiếc Việt Nam có "Huyền thoại xứ Ai Cập - Chuyện công chúa Hamura cứu cha"; nghệ sĩ hài Xuân Bắc - Tự Long tiếp tục với "Bí mật chuyện kể - Âm mưu của Đại ma vương".


Trong khi đó ở TP. Hồ Chí Minh, trong chương trình "Ngày xửa ngày xưa 27", Sân khấu IDECAF tiếp tục đưa các khán giả nhỏ đến với câu chuyện "Cuộc chiến của Ông Kẹ và các Bà Mẹ" (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn). Sân khấu Kịch Thế giới Trẻ đầu tư dàn dựng chương trình kịch thiếu nhi "Thế giới thần tiên" với tập 1: "Tên trộm thành Bát Đa" (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Ngọc Hùng).


Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình khác cũng đang được các nơi cấp tập phục vụ khán giả nhí như "Ngôi nhà tuổi thơ số 3" (tác giả, đạo diễn: Trúc Thy) tại Sân khấu Kịch 5B Võ Văn Tần là một chương trình tạp kỹ với các tiết mục: ca múa nhạc, thời trang, dancesport, trò chơi có thưởng, kịch ngắn...


Đa dạng, phong phú và có sức hấp dẫn, tuy nhiên không ít bậc phụ huynh ở thành phố chia sẻ rằng, họ cũng không có thời gian để cho con em mình xem hết những chương trình trong dịp hè. Phần vì không có thời gian, phần vì năm nào cũng được xem, các em cũng không nhiều hào hứng, thậm chí có cảm giác "bội thực".


Trái ngược với thành phố, đời sống tinh thần của trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn khá thiệt thòi. Mỗi năm, may mắn lắm các em mới được xem một chương trình nghệ thuật, bất kể là chương trình xiếc, ca nhạc, hài kịch, trong khi phần lớn đều cảm thấy xa lạ với các loại hình nghệ thuật này.


Tuy nhiên, để đưa được một chương trình nghệ thuật về với các em vùng nông thôn là khó khăn lớn của các đoàn nghệ thuật. Nghệ sĩ Hoài Oanh - Cty Đông Đô show - một Cty chuyên tổ chức chương trình, sự kiện phục vụ các em thiếu nhi cho biết, không tính chi phí về phục trang, sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn cũng như kịch bản, riêng việc tìm được địa điểm tốt, đảm bảo chất lượng âm thanh, ánh sáng để biểu diễn ở các huyện, vùng nông thôn chứ chưa nói đến vùng sâu, vùng xa là điều rất khó khăn.


Nếu có biểu diễn trên sân vận động thì yếu tố thời tiết khiến cho các nghệ sĩ lo lắng thường trực sẽ "bể show".
Trong khi đó, nghệ sĩ hài Xuân Bắc cho biết: "Chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, chỉ cần phục vụ các em thiếu nhi hết các quận, huyện trong TP. Hà Nội đã khó khăn vì kinh phí eo hẹp. Chúng tôi luôn mong muốn được phục vụ tất cả các em thiếu nhi nhưng đúng là cái khó bó cái khôn".


Không phủ nhận trẻ em thành phố có nhiều lựa chọn giải trí hơn các em ở tỉnh trong dịp hè, ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - một trong những đơn vị mang chương trình nghệ thuật đi phục vụ rất nhiều tỉnh phía Bắc cho biết, dù đi biểu diễn nhiều song không thể nào đáp ứng hết nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, nhất là trẻ em vì kinh phí hạn hẹp.


Cần biểu diễn miễn phí
Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, đối với khán giả vùng sâu, vùng xa cần có chính sách biểu diễn miễn phí để phục vụ các em thiếu nhi, nhất là vào các dịp như 1/6, dịp hè.


Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, hằng năm các nhà hát đều có các dự án biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi và kinh phí thực hiện dự án từ các quỹ của Chính phủ hoặc của cộng đồng đóng góp.


Đây chính là sự đầu tư rất lớn dành cho trẻ em vì họ hiểu đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, lợi nhuận từ các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi không tính bằng tiền bán vé mà ở lợi ích tinh thần cho các thế hệ sau của cả một đất nước.

 

Theo baonnvn