Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi bé hay gặm móng tay


Nhiều bé có thói quen gặm móng tay liên tục và không ngừng nghỉ.

Lý do

Các bé (thậm chí cả người lớn) thường cắn móng tay khi đang căng thẳng hay buồn chán.

Điều cha mẹ nên biết

Cha mẹ càng quát mắng hoặc vội vã kéo tay bé ra khỏi miệng của bé thì nhiều khả năng, bé vẫn phát triển thói quen này.

Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng vì khi lớn lên, bé biết cách điều chỉnh cảm xúc thì bé cũng sẽ tự biết cách từ bỏ thói quen cắn móng tay. Trong thời gian này, cha mẹ có thể làm một số việc như sau để giúp bé sớm loại bỏ thói quen cắn móng tay của bé:

- Giảm lo âu cho bé: Có rất nhiều sự kiện gây căng thẳng cho bé trong cuộc sống như bé có em, mẹ phải quay lại làm việc... Những sự kiện này khiến bé muốn có thêm sự chú ý cũng như tình cảm của mẹ. Mẹ có thể tìm cách nào đó để bé giảm căng thẳng và xả hơi như cho bé tham gia các hoạt động thể chất (chơi bóng, nhảy, múa...) hoặc các hoạt động yên tĩnh (vẽ, tô màu, ngồi nghe đọc truyện)...

- Tạo ra một "mã số bí mật" mà chỉ có mẹ và bé biết. Từ đó, mẹ có thể nhẹ nhàng nhắc nhở bé dừng cắn móng tay mà không làm bé lúng túng hay bị ức chế. Mẹ hãy cùng thỏa thuận với bé về một tín hiệu là ngừng cắn móng tay như giơ ngón tay út hoặc dùng một từ đặc biệt nào đó.

- Cho bé một sự thay thế như cho bé một chiếc kẹo không đường hoặc một miếng hoa quả.

- Giữ cho bé bận rộn: Mẹ có thể đánh lạc hướng bé với một trò chơi như nặn đất sét hoặc giải câu đó.

- Cắt ngắn các móng tay của bé. Móng tay ngắn sẽ làm bé thấy nhàm chán khi gặm móng tay.

- Thưởng khi bé nỗ lực: Mẹ hãy thưởng khi bé có một ngày không gặm móng tay. Nếu là một tuần không gặm móng tay thì phần thưởng cho bé sẽ tăng lên.

Theo Mevabe.net