Bé sơ sinh có thể gặp rủi ro khi bú sữa người lạ Những ngày qua, cư dân mạng rất cảm thương và mến phục trước câu chuyện một ông bố trẻ do vợ mất vì tai biến sản khoa nên phải mò mẫm đi xin sữa cho con gái nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, bé sẽ gặp nguy hiểm nếu nguồn sữa đi xin đến từ những bà mẹ có những vấn đề về sức khỏe. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu, không thể thay thế đối với trẻ. ảnh minh họa
Hành lang Khoa Hậu sản, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM luôn kín người. Anh Trần Văn Tình (34 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) đang tất tả cầm bình sữa hãy còn ấm vừa xin được cho con từ phòng kế bên. "Vợ tôi sinh mổ, bị tắc sữa. Thương con vừa sinh đã không được bú sữa mẹ nên tôi và bà nội cháu cứ phải thay nhau tìm người cho sữa mẹ. Nghe nói phòng bên có người vừa sinh, sữa nhiều, con bú không kịp nên tôi vội qua đó xin về cho con!", anh Tình chia sẻ trong khi cùng chúng tôi đi về phòng. "Nhà tôi còn nhờ vắt sữa ra bình, nhiều gia đình khác còn mang trẻ đến xin bú trực tiếp. Mấy ngày ở viện còn dễ tìm người cho sữa. Vợ chồng tôi đang lo sau khi ra viện, nếu sữa không đủ cho con thì xin như thế nào đây? Dùng sữa ngoài từ ngày mới sinh thì thiệt cho con quá!", chị Tuyết, vợ anh Tình cho hay. Câu chuyện xin sữa như vợ chồng anh Tình không phải là hiếm gặp ở các bệnh viện có khoa sản. Ngoài ra, trên các trang mạng, diễn đàn có nhiều bà mẹ tham gia chủ đề xin sữa thu hút rất nhiều ý kiến. Trên diễn đàn webtretho, một bà mẹ có tên me2cunyeu viết: "Mẹ nào ở TPHCM dư sữa cho mình xin với. Mình ở quận 2. Bé nhà mình khó hấp thu sữa ngoài, đi vệ sinh khó, đêm ngủ chập chờn, không sâu giấc, mình rất thương và lo cho con. Mình đang dùng mọi biện pháp để "kích sữa" cho con, rất mong các mẹ có nhiều sữa giúp mình với". Ngay lập tức, thông tin này nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của các thành viên khác trong diễn đàn. Thành viên ngoclan... phản hồi: "Mình có vắt được khoảng gần 2 lít sữa để trữ đông. Con mình tự dưng bỏ bú bình nên không dùng tới, mình muốn tặng cho mẹ nào ít sữa. Liên hệ với mình theo số 016833...". Cũng trên các diễn đàn, không chỉ có người xin sữa cho con, mà không ít các bà mẹ dư sữa cũng chủ động muốn chia sẻ cho cộng đồng. Thành viên Vit... viết: "Mình mới sinh bé 1 tháng rưỡi, có dư sữa và đang để lạnh bằng túi sữa tiệt trùng, khoảng 10 bịch từ 150-200ml. Liên hệ với mình theo số 09725...". ...Nhưng phải xét đến yếu tố an toàn TS. BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: Cũng như các bệnh viện có chuyên khoa sản khác, trước đây tại bệnh viện có khá nhiều trường hợp các bé sơ sinh bú nhờ các bà mẹ khác. Bên cạnh đó cũng có những ông bố, bà mẹ hoặc người thân phải đi xin sữa từ các bà mẹ khác cho con mình bú vì lý do nào đó mà sản phụ không thể cho con bú mẹ được. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: "Việc cho trẻ uống sữa từ các bà mẹ khác, đặc biệt là không phải là người quen sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu người cho sữa mắc các bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, bệnh về tuyến vú... Ngoài ra, nếu người cho sữa sử dụng các loại thuốc, chất kích thích thì cũng ảnh hưởng đến sữa và đến bé". Đây cũng là lý do khiến tại 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Từ Dũ TPHCM và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số người đi xin sữa mẹ cho con giảm đi đáng kể. TS.BS Lê Thị Thu Hà chia sẻ: Bệnh viện Từ Dũ là một trong những bệnh viện có khoa sơ sinh lớn nhất cả nước với số lượng trẻ sơ sinh, đặc biệt là những bé non tháng, những bé có bệnh lý hoặc mẹ có bệnh- đối tượng có nhu cầu được nuôi bằng sữa mẹ. Việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ là cần thiết, tuy nhiên cần tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngân hàng sữa mẹ để đảm bảo an toàn cho bé và đảm bảo thành phần dinh dưỡng. Tại Việt Nam hiện chưa có ngân hàng sữa mẹ đúng chuẩn, có chăng một số nơi trữ đông sữa của bà mẹ và dành cho chính con của họ dùng. Hiện nay có khá nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập ngân hàng sữa mẹ như Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Ấn Độ... Kể từ năm 1997, tại Bắc Mỹ đã có ngân hàng sữa mẹ và đưa ra quy trình thành lập ngân hàng sữa mẹ. Theo TS Nguyễn Duy Ánh, việc thành lập một ngân hàng sữa mẹ là khó khả thi. Nguyên nhân là sữa mẹ lên men rất nhanh nếu không đảm bảo quy trình bảo quản chuẩn về vô khuẩn, tinh khiết. "Nếu có thành lập được thì ai sẽ là người quản lý, duy trì? Liệu có đủ để cung cấp cho mọi đứa trẻ có nhu cầu không? Nếu lượng cung cấp ít, trong khi nhu cầu hưởng nhiều, vậy quản lý ngân hàng sữa có thể tự cân đối, điều chỉnh được không? Nếu chỉ cung cấp cho một vài trường hợp thì việc lập nên nơi lưu trữ như ngân hàng sữa mẹ quả là lớn!", TS Nguyễn Duy Ánh nghi ngại. Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, tại Bệnh viện Từ Dũ, tất cả các sản phụ vào sinh đều được sàng lọc các bệnh HIV, viêm gan B, giang mai. Tuy nhiên, nếu có tham gia đóng góp vào ngân hàng sữa mẹ, đảm bảo tiêu chuẩn và tính an toàn cho người nhận, sản phụ trước sinh cần tiến hành những xét nghiệm viêm gan C, hoàn tất bảng câu hỏi nhằm loại những bà mẹ có nguy cơ như: Các bệnh lây truyền, bệnh viêm vú, cấy ghép mô hoặc cơ quan (bao gồm cả cấy ghép silicone vú), truyền máu trong vòng 12 tháng qua chế độ ăn, uống (như những người ăn chay, người không bổ sung chế độ ăn uống của họ với các vitamin; sử dụng thuốc bất hợp pháp hoặc sản phẩm thuốc lá...). Theo quy trình của một ngân hàng sữa mẹ ở Mỹ (có tên The Human Milk Bank Association of North America) thì người cho sữa phải được sàng lọc rất kỹ. Đó phải là người có sức khỏe tốt, con của họ đang phát triển khỏe mạnh và dưới 6 tháng tuổi khi họ bắt đầu cho sữa. Người mẹ cho sữa cần thực hiện những xét nghiệm bắt buộc như: HIV 1 và 2, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Sau khi hoàn tất bảng câu hỏi, người cung cấp dịch vụ phải ký vào bản xác nhận cả hai mẹ con người cho sữa đều khỏe mạnh. Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ một loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ hoặc bé bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa đến khi sức khỏe phục hồi. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa... Thu Nguyên( Giadinh.net.vn)
|