Bí mật bất ngờ giúp bé ăn nhiều hơn mẹ chưa biết Đó là đừng nói cho trẻ biết hoa quả và rau có ích cho sức khỏe bé như thế nào! Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Chicago mới đây đề nghị các bậc cha mẹ và các nhà sản xuất chỉ đơn giản phục vụ những bữa ăn ngon cho trẻ mà không có bất cứ thông điệp nào về lợi ích của nó. Lời khuyên này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé mầm non trong độ tuổi từ 3-5 tuổi khá lười ăn mỗi khi được cho biết các nguyên liệu làm nên món ăn sẽ giúp chúng thông minh và khỏe mạnh hơn, bởi các em bé này tin rằng, mùi vị của những món ăn hẳn phải rất tệ. Trong suy nghĩ của các bé, đồ ăn khiến bé khỏe mạnh và thông minh hơn thì không ngon và ngược lại. Tiến sĩ Michal Maimaran và Tiến sĩ Ayelet Fishbach, hai người đứng đầu nghiên cứu kết luận rằng trong suy nghĩ của các bé, đồ ăn ngon thì không thể giúp bé thông minh hay khỏe hơn và ngược lại: "Nếu một món ăn được giới thiệu sẽ khiến chúng khỏe mạnh, hay có công dụng không liên quan tới sức khỏe như là giúp bé biết cách đọc, những em bé này sẽ suy luận rằng những đồ ăn đó hẳn không có mùi vị, và vì vậy sẽ ăn ít hơn so với những món ăn được giới thiệu là thơm ngon và không có thông điệp công năng đi kèm". Để kiểm tra giả thuyết trên, hai vị tiến sĩ trên đã tiến hành thực hiện một loạt các mẫu nếm khác nhau với các trẻ mầm non tại trường McGaw YMCA tại Evanston, Iilinois. Vào mỗi đợt thử nghiệm, mỗi bé sẽ được đọc cho nghe câu chuyện thiếu nhi về một cô gái tên là Tara, người ăn những chiếc bánh quy giòn mỏng làm bằng bột mỳ mỗi lần trước khi chơi. Tuy nhiên trong câu chuyện đó, người ta thay đổi theo hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là tập trung vào những lợi ích sức khỏe của những chiếc bánh quy trên. Chiều hướng thứ hai là không nói gì cả. Và suy đoán của hai vị tiến sĩ trên là chuẩn xác khi trong câu chuyện liên quan tới sức khỏe, các bé ăn rất ít bánh - những chiếc bánh được xem là có công dụng khiến các bé khỏe mạnh, mạnh mẽ và đầy nội lực. Những cụm từ như "khỏe mạnh hơn", "tốt cho con", "khiến con cao lớn" và "tạo năng lượng" mỗi khi đi kèm các mòn ăn thường khiến các bé mất hứng và ăn rất ít. Một số bé khác thậm chí còn tránh bữa tráng miệng sau khi ăn những món ăn này. Thực tế điều này cũng không gây nhiều bất ngờ bởi một nghiên cứu trước đây cũng nhận thấy các em bé trong độ tuổi 9-11 tuổi thích uống đồ uống có nhãn hiệu "Đồ uống mới" hơn là loại "Đồ uống dành cho sức khỏe mới". Theo Afamily |