Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Việt Nam: 14% nam giới và 12% nữ giới thừa cân


Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Lancet ra ngày 29/4/2014, nghiên cứu trên 188 quốc gia, Việt Nam là nước có tỷ suất thừa cân và béo phì ở Việt Nam trong nhóm thấp nhất thế giới, nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng.


Trong giai đoạn từ năm 1980-2013, tỷ suất thừa cân và béo phì ở người trưởng thành trên thế giới tăng từ 30% lên 37%. Tại Việt Nam, tỷ suất này tăng từ 5% lên 13%. So sánh theo giới, thì tỷ suất này khác biệt không nhiều ở Việt Nam với 14% nam giới và 12% nữ giới trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Còn ở Indonesia, tỷ suất này là 21% ở nam giới và 31% ở nữ giới.


Trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc thừa cân, béo phì.


Hội đồng các nhà khoa học quốc tế do Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington chủ trì nghiên cứu có tên "Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em và người trưởng thành ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu: Phân tích hệ thống của Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013".


Thừa cân là tình trạng Chỉ số khối cơ thể (BMI), hoặc Chỉ số cân nặng theo chiều cao từ 25-30, trong khi béo phì được xác định khi BMI từ 30 trở lên. Trên thế giới, 37% người trưởng thành trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, trong khi 10% nam giới và 14% nữ giới ở mức béo phì. Tại Việt Nam, khoảng 1% nam giới và 2% nữ giới được xác định là béo phì. Việt Nam cũng có tỷ suất thừa cân và béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên năm 2013 là 5% ở nam và 6% ở nữ, thấp hơn so với 14% tỷ suất trung bình chung toàn cầu cho cả nam và nữ.


Từ năm 1980 đến nay, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân và béo phì, tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia. Malaysia có tỷ suất người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì cao nhất, khoảng 46% năm 2013, trong khi đó Timor-Leste (5%), Việt Nam (13%) và Cambodia (15%) lần lượt là ba nước có tỷ suất thấp nhất trong khu vực.


"Các quốc gia Đông Nam Á đã có những thành tựu to lớn trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, nhưng chúng ta đang chứng kiến xu hướng gia tăng thừa cân và béo phì rất đáng lo lắng ở một số quốc gia trong khu vực" -GS. Ali Mokdad, Giáo sư về Sức khỏe toàn cầu tại IHME, đồng tác giả của nghiên cứu.


Tình trạng thừa cân và béo phì ở Việt Nam, mặc dù thấp hơn so với các quốc gia khác, nhưng lại có tốc độ gia tăng nhanh chóng và đáng báo động. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy can thiệp phòng chống thừa cân và béo phì, đặc biệt ở giai đoạn sớm, góp phần giảm đáng kể nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chi phí y tế cho các bệnh mạn tính trong suốt cuộc đời.


"Béo phì gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người dù ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào, mức sống ra sao", - GS. Christopher Murray, Giám đốc IHME, người đặt nền móng cho Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu. "Trong ba thập kỷ vừa qua, không có quốc gia nào đạt được thành công trong việc giảm tỷ suất béo phì, và chúng tôi dự báo tình trạng béo phì sẽ tăng nhanh cùng với sự tăng lên về thu nhập đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nếu như không có những biện pháp khẩn trương để giải quyết mối đe dọa về y tế công cộng này".


Tại các nước phát triển, béo phì bắt đầu gia tăng những năm 1980, sau đó tăng nhanh trong giai đoạn 1992-2002, và tăng chậm lại từ 2006. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, nơi mà gần 2/3 số người béo phì trên thế giới đang sinh sống, béo phì vẫn đang tiếp tục gia tăng.


Nghiên cứu toàn cầu này cho thấy, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng đáng kể trên toàn thế giới. Trong thời gian 1980-2013, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng gần 50%. Năm 2013, hơn 22% nữ và gần 24% nam ở các nước phát triển được xác định là thừa cân hoặc béo phì. Các nước đang phát triển cũng có sự gia tăng tương tự với gần 13% nam và hơn 13% nữ thừa cân hoặc béo phì.


Các nguy cơ sức khỏe như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, viêm khớp mạn tính, bệnh thận mạn tính, tăng lên khi BMI của chúng ta vượt ngưỡng 23. Năm 2010, thừa cân và béo phì là nguyên nhân của 3,4 triệu trường hợp tử vong trên thế giới, chủ yếu là do các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu dự báo nếu không kiểm soát tốt, sự gia tăng béo phì sẽ dẫn đến giảm tuổi thọ của con người trong tương lai.


Hiện nay, 2,1 tỷ người - khoảng 1/3 dân số thế giới - thừa cân hoặc béo phì. Số trường hợp thừa cân và béo phì trên thế giới đã tăng từ 857 triệu (khoảng 20%) trong năm 1980 lên 2.1 tỷ (khoảng 30%) trong năm 2013. Tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng 50% trong số người dưới 18 tuổi trong giai đoạn 1980-2013 trên toàn thế giới.


Theo BÁO SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG