Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu của những em bé bị ‘còi’


Không phải cứ con mình bé hơn con hàng xóm tức là suy dinh dưỡng. Trẻ chậm phát triển sẽ có những biểu hiện này.

Nỗi sợ hãi con "còi", con chậm phát triển là nỗi lo lắng, nỗi "ám ảnh" muôn thủa của các bà mẹ Việt. Nhiều chị em không tiếc công sức mua thực phẩm chức năng, thuốc bổ cùng những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất để nhồi nhét cho con cái với niềm mong mỏi có con bụ con béo. Cũng có không ít bà mẹ lại bị rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, suy sụp chỉ vì chuyện cân nặng của con.Tuy nhiên, cơ sở nào, số liệu nào nói rằng trẻ đã bị suy dinh dưỡng thì lại không phải bà mẹ nào cũng biết rõ. Không phải cứ con mình bé hơn con hàng xóm tức là bé đã bị suy dinh dưỡng. Một bà mẹ thông thái phải là một bà mẹ hiểu con, hiểu đúng tình trạng sức khỏe con và hiểu rõ được những dấu hiệu cảnh báo trẻ 0-2 tuổi suy dinh dưỡng này.

Chỉ số cân nặng

Trọng lượng được coi như chỉ số quan trọng nhạy cảm nhất phản ánh sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, lượng thức ăn trẻ ăn vào sẽ thể hiện ngay trong chỉ số cân năng Trọng lượng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, ốm sốt hay bệnh tật.

Một em bé sơ sinh bình thường cân nặng trong ba tháng đầu tiên sẽ phát triển nhanh nhất, thường vào khoảng tăng 600-1.000 gram/ tháng, tốt nhất là không dưới 600 gram trong 3 tháng đầu. Giai đoạn 3-6 tháng, trẻ sẽ tăng mỗi tháng 600-800 gram. Giai đoạn 6 đến 12 tháng mức tăng trung bình hàng tháng là 300 gram. Khi trẻ đạt 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng chậm sẽ lại đáng kể. Tính trung bình trẻ 1 đến 3 tuổi chỉ tăng khoảng 150 gram mỗi tháng, có bé nhiều tháng không tăng được lạng nào.Sau này khi bé lớn, trọng lượng chuẩn sẽ được tính theo công thức: cân nặng (kg) = tuổi (năm) x 2 +7 (hoặc 8)

Chỉ số chiều cao

Chiều cao cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên nó phản ánh tình trạng dinh dưỡng, tăng trưởng và phát triển lâu dài, không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không rõ ràng bởi các yếu tố tác động ngắn hạn như ốm sốt hay bệnh tật.

Chiều cao của trẻ phát triển nhanh nhất trong năm đầu tiên sau khi sinh. Tính trung bình một em bé bình thường năm đầu tăng tăng 25 cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng từ 4-7,5 cm.

Sau một năm chiều cao trung bình của trẻ sẽ tính theo công thức: chiều cao (cm) = tuổi (năm) x 5 80 (cm). Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo chiều cao của trẻ em có thể theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại đây.

Những em bé không đạt được các chỉ số chiều cao này cho thấy dấu hiệu của việc chậm phát triển thể chất.

Không phải cứ con mình bé hơn con hàng xóm tức là suy dinh dưỡng. Trẻ chậm phát triển phải dựa theo căn cứ, số liệu rõ ràng. (ảnh minh họa)

Chu vi vòng đầu

Chu vi vòng đầu là một chỉ số quan trọng thể hiện mức độ phát triển não bộ của trẻ. Chu vi vòng đầu trong năm đầu tiên sau khi sinh phát triển nhanh nhất. Trung bình khi sinh chu vi đầu của trẻ sẽ là 34cm, 1 tuổi đạt trung bình 46cm; năm thứ 2 tăng 2cm, năm thứ 3 tăng 1 ~ 2cm. Chu vi vòng đầu khi trẻ đạt 3 tuổi trung bình sẽ là 48cm, và từ đó đến khi trưởng thành sẽ không có nhiều sự khác biệt.

Tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý rằng không phải cứ 100% trẻ đầu to là học giỏi và kích thước đầu không phải là tỷ lệ thuận trí thông minh . Chu vi vòng đầu của trẻ nên ở trong phạm vi bình thường, không nên quá nhỏ, cũng không nên to bất thường. Chu vi vòng đầu quá lớn sẽ phải xem xét đến các trường hợp u não, não úng thủy.

Trẻ không đạt chu vi vòng đầu theo những chỉ số trên cần được cân nhắc về tình trạng suy dinh dưỡng.

Tỷ lệ vòng ngực và vòng đầu

Lúc mới sinh, vòng ngực nhỏ hơn vòng đầu 1-2cm. Dần dần cùng với sự lớn lên của trẻ, vòng ngực sẽ đuổi kịp vòng đầu, đến tháng thứ 12 thì gần tương đương. Những bé có tình trạng dinh dưỡng tốt, thậm chí chưa đến 1 tuổi vòng ngực và vòng đầu sẽ bằng nhau. Sau khi được 1 tuổi, vòng ngực sẽ phát triển nhanh hơn, tăng đáng kể so với vòng đầu. Những trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ là những em bé có tỷ lệ vòng ngực bằng vòng đầu muộn.

Theo Khám phá