Thông báo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, trên thế giới đã có ít nhất 10 nước ghi nhận bệnh bại liệt và có xu hướng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo "Tình trạng khẩn cấp" tại một số nước khu vực Nam Á.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù nước ta đã thanh toán bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên nguy cơ bệnh bại liệt có thể xâm nhập vào nước ta.
Bại liệt là bệnh do vi rút gây nên, dễ dàng lây lan từ người sang người, để lại di chứng liệt không hồi phục ở chân hoặc liệt tủy và có thể dẫn tới tử vong. Trẻ mắc bệnh bại liệt thường có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những người chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa. Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo BÁO SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG