Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thương lấy mầm non


Người lớn thường cho rằng trẻ con hồn nhiên và chóng quên nên vô tư nói dối trẻ để "được việc", thoải mái đánh mắng, thậm chí sỉ nhục trẻ nhằm tăng tính giáo dục (!).


Đến lúc họ quá lời, lỡ tay thì lại tự bào chữa rằng trẻ con sẽ chóng quên, và phải làm như thế thì trẻ mới "chừa".


Chuyện của tôi, của bạn bè tôi hơn 30 năm qua vẫn chưa phôi pha trong ký ức. Thời bao cấp, kinh tế cực kỳ khó khăn, sổ gạo là nguồn cơm cho cả nhà, bạc lẻ là đồng vốn của một hộ gia đình. Thương yêu con cháu, song đói nghèo ít nhiều làm quắt queo suy nghĩ của ông bà, cha mẹ. Ngày đó tôi thường được anh cả đèo sau xe đạp ra điểm xếp hàng mua gạo. Con bé sáu, bảy tuổi giữ khư khư bao tải và sổ gạo đầy vẻ quan trọng và tự hào. Hôm ấy mãi nhìn theo xe bóng bay, quyển sổ nhỏ rơi đâu không biết, hai anh em sợ hãi quanh đi, quanh lại tìm mãi không được, đành thất thểu quay về lí nhí thú tội với ông ngoại. Chát, chát... hai bạt tai thẳng tay của ông khiến tôi nổ đom đóm mắt, máu mũi ộc ra, ôm mặt nức nở...


Đấy không phải lần đầu tôi bị đòn, thỉnh thoảng vụng tay làm rơi vỡ bát hoặc mất bút chì, tôi đã bị cốc đầu, phết vài roi vào đít. Song lần này tôi thấy đau hơn nhiều vì ông đánh tôi ngay ngoài đường, bọn trẻ con hàng xóm trố mắt nhìn thấy cả. Nhiều hôm sau tôi không dám ra sân chơi, cuối gằm mặt đi học vì sợ bạn bè trêu chọc.


Chuyện anh hàng xóm nhà tôi còn khủng khiếp hơn. Bố anh bỏ đi để mình mẹ anh xoay xở nuôi ba anh em. Đói nghèo và căm phẫn khiến bà mẹ bị ức chế, rất dễ nặng tay với con cái khi không vừa ý. Năm đó anh độ mười bốn, mười lăm tuổi, nghỉ học lớp 9, hàng ngày anh bán bánh bò, bánh tiêu phụ mẹ đắp đổi qua ngày. Ở lứa tuổi niên thiếu, dù có ý thức kiếm sống song không tránh khỏi đôi lúc mải chơi. Có lần anh đội mâm bánh, gác chân hóng chuyện người lớn ở bến xe buýt, bị lấy mất chiếc dép, về tới nhà mẹ anh cứ nhằm vào chân con quất tới tấp. Có lần, không rõ anh làm rơi đâu hay bị móc túi mà hết sạch vốn lời. Mâm trống rỗng, túi cạn tiền, anh thất thần về nhà. Bà mẹ lồng lên, lột hết quần áo con và cầm cây roi tre dài rượt đánh. Đứa con trai ở tuổi mới lớn chỉ còn biết hứng mưa roi, nước mắt ràn rụa, miệng lắp bắp xin tha, tay khum khum che chắn bộ phận sinh dục. Con nít chạy theo rần rần như xem hội. Người lớn chạy theo can nhưng chưa thể ngăn được cơn thịnh nộ của bà mẹ đang tiếc của.


Nhiều câu chuyện tương tự mà tôi và bạn bè trang lứa thời ấy là nạn nhân, mấy chục năm qua vẫn không thể xóa nhòa...


Theo PN