Mùa hè đang cận kề và các cháu nhỏ mẫu giáo cũng như cấp 1, 2 được nghỉ hè. Cùng với đó không thiếu các trò chơi, sinh hoạt ngày hè của trẻ. Do vậy, việc đề phòng các tai nạn thương tích ở trẻ như đuối nước khi đi bơi, bị phỏng, uống nhầm thuốc, tai nạn điện... cần được lưu ý.
Trong những tuần qua, BV Nhi đồng 1 TPHCM liên tục tiếp nhận các ca bệnh trẻ em do tai nạn thương tích. Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi đồng 1 vừa tiếp nhận trường hợp bé Ng.Th. (sinh năm 2009, nhà ở Tiền Giang) bị tai nạn khi chơi xích đu. Trong lúc đang vịn hai cây tre để chơi xích đu thì bé bị trượt tay và té xuống đất, bị một cọc tre đâm vào hậu môn. Sau khi thăm khám, BS đã khâu vết thương trực tràng, đưa một đoạn ruột ra ngoài để làm hậu môn nhân tạo tạm thời cho bé đi phân qua ngả bụng. Hiện tại tình trạng của bé đã tương đối ổn định.
Trước đó, trong lúc chơi xe điện đụng, một bé gái cũng bị dập tụy. Đó là bé L.Q.D.T. (6 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) trong lúc đang chơi trò xe điện đụng ở công viên thì sơ ý khiến chiếc xe tông mạnh vào dải ghế chắn làm bé đập mặt về phía trước, chảy máu mũi và bị bánh lái thúc vào bụng...
Hay như Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi đồng 1 cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhi nữ 14 tuổi bị chấn thương hóc mắt phải do bị bạn đâm bằng bút bi. Sau khi hội chẩn, các BS đã chỉ định chụp CT Scan sọ não và xoang khẩn cho bệnh nhi, kết quả cho thấy dị vật không làm tổn thương nhãn cầu, đầu xa của dị vật chọc vào thành ngoài xoang sàng nhưng không gây tổn thương sàn sọ. Ê kíp phẫu thuật đã mổ cấp cứu thám sát lấy dị vật cho bệnh nhi là đầu bút bi dài gần 4cm...
Theo BS Phạm Đoàn Tấn Tài, Khoa Tai Mũi Họng trong thời gian qua, nhất là vào các dịp lễ, tết hoặc nghỉ hè đã tiếp nhận nhiều trường hợp bé bị thương trong tai nạn sinh hoạt và vui chơi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Do đó, mùa hè sắp đến, BS Tài khuyến cáo phụ huynh chú ý trông coi trẻ cẩn thận khi trẻ vui chơi và sinh hoạt. Tránh để cho trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm, hướng dẫn trẻ tránh xa những vật sắc nhọn có khả năng làm tổn thương trẻ.
Theo các BS nhi khoa, tai nạn thương tích ở trẻ rất phổ biến, nhất là dịp hè được nghỉ ngơi, vui chơi, đi du lịch. Những tai nạn thường gặp như đuối nước, bỏng, gãy tay chân, chấn thương phần mềm hầu như ngày nào cũng gặp.
Thông tin từ khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 cho biết, những ngày qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng các trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện, bình quân mỗi ngày 5 - 6 trường hợp. Trong đó có những trường hợp khá hy hữu mà suy cho cùng là thiếu sự quan sát, lơ đễnh của các bậc phụ huynh như hóc đồng xu, ngộ độc thuốc, té cầu thang...
Còn theo thống kê của BV Nhi đồng 1, mỗi năm nơi đây tiếp nhận gần 1.200 ca trẻ bị tai nạn thương tích, nhiều trẻ rất nguy kịch. Thời điểm gia tăng trẻ gặp tai nạn thương tích cũng chủ yếu là dịp hè, nghỉ lễ.
Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, BS Phan Dư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu, cũng cho biết trẻ bị gãy tay, gãy chân nhập viện thường xuyên thời gian qua. Bên cạnh những trường hợp nhẹ do ngã xe, té cây thì cũng có nhiều trường hợp nặng như dập cánh tay, dập bàn tay, bàn chân do bị vật nặng dè hoặc bị kẹt tay cánh cửa, máy móc...
Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250 - 300 trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14. Trong đó có nhiều tai nạn đau lòng chỉ vì một phút thiếu quan tâm của người nhà. Đặc biệt, mùa hè thường là thời điểm hầu hết trẻ ở nhà chơi, người lớn đi làm hoặc bất cẩn nên những trường hợp té nước, điện giật, phỏng... thường xảy ra ở trẻ mới vừa biết đi, biết bò.
Điều đáng nói, ngoài việc bất cẩn của các bậc phụ huynh thì công tác cấp cứu kịp thời tai nạn thương tích cho trẻ còn rất hạn chế. Hiện hầu hết các trạm y tế phường - xã chưa có BS nhi khoa, còn phần lớn BV quận - huyện không có bộ phận cấp cứu bệnh nhi.
Theo SGGP