Tháng 5 sắp về, đã bắt đầu thấy những đốm đỏ của hoa phượng hé nở. Loài hoa báo hiệu mùa hè về, cũng là mùa thi sắp đến với tuổi học trò, đặc biệt là những học sinh cuối cấp lại chuẩn bị vào một mùa thi tốt nghiệp, đại học đầy cam go.
Hồi đó, mỗi lần đến mùa thi là sư phụ (thầy giáo dạy lớp 4 & 5) của tôi lại ngâm nga câu "Học đã sôi cơm nhưng chưa chín. Thi không ăn ớt thế mà cay". Vì thế, bọn học trò chúng tôi thời đó hay ví von mùa thi là mùa của các cô cậu học sinh "ăn ớt", bởi thi cũng "cay đắng" như khi ăn ớt vậy. Vì thế phải cố gắng học làm sao để đừng có kết quả "cay" như ăn nhằm phải "ớt hiểm".
Ảnh: Đặng Hồng Kỳ
Ngày đó, nhớ mỗi mùa thi đến, tụi tôi lại "cong lưng" lên học bài. Có đứa học đến tận khuya, ngủ gục trên bàn, phía trên đầu là ngọn đèn dầu đang thắp sáng. Giấc ngủ gật ngon cho đến khi nghe "xèo xèo" và mùi khét lẹt mới giật mình tỉnh giấc, rờ lên đầu phần tóc phía trước, cả chân mày đã cháy xém một nhúm trông ngộ ngộ. Có đứa thì lại đi săn lùng cây "lá thuộc bài" đem ép vào vở hoặc tập sách. Vậy mà, có đứa thi ra xong thì "cười méo miệng" dù nó đã bẻ quá trời lá thuộc bài ép vào dày cộm quyển sách hay tập vở.
Bạn bè tôi, đi hái rau, mót củi hay chăn trâu chăn vịt cũng ôm theo cuốn tập hay quyển sách kè kè bên người. Ngồi vắt vẻo trên lưng trâu học bài, chừng trâu lội qua sông tắm, nó ngoắc cái đầu một phát, cả người cả tập rớt xuống nước, ướt nhẹp. Xòm nhỏ vào mùa thi, nghe giọng học bài tụng kinh đều đều vang khắp cả xóm, vui chả khác gì hội.
Cũng có đứa chơi trò độc hơn, để chống cái ngủ kéo đến, nó cột một nhúm tóc phía trước trán lên trên cột nhà hay bất cứ chỗ nào mà chỉ cần ngủ gật một cái là nhúm tóc bị kéo căng ra, đau đến tỉnh ngủ. Hay bê nguyên thau nước ngay cạnh chân bàn học, hễ buồn ngủ thì nhúng cả khuôn mặt vào trong đó. Tụi nó bảo vậy là tỉnh ngủ ngay. "1001" cách chống buồn ngủ của tuổi học trò, cách nào hình như cũng... hổng giống ai.
Biết bao nhiêu nỗi lo lắng, hồi hộp trẻ con đó sẽ được trút ngay khi kẻng trường báo hiệu hết giờ thi môn cuối cùng. Đứa nào cũng cười và thở phào nhẹ nhõm, xem như "trút đi được cái gánh nặng của mùa "ăn ớt" dù có làm bài được hay không.
Đến cuối kỳ, ngày thầy đọc điểm xếp hạng, vị thứ, cả lớp hồi hộp đến nín thở. Nếu kết quả khả quan, thầy lại bảo "Năm nay coi vậy mà ớt chả cay", còn nếu như kết quả ít khả quan thì thầy lại đọc "Học đã sôi cơm nhưng chưa chín, Thi không ăn ớt thế mà cay". Rồi thầy kể tích ngày xưa "Ông Tú Xương có vợ nuôi đi thi đến 8 lần mà không đậu, vậy mà vẫn làm thơ hay nhứt xứ đó thôi". Lúc đó tự chúng tôi biết, thầy nói như lời động viên nhắc nhở "Thua keo này thì bày keo khác, cơ hội là luôn đến với chúng tôi".
Ngày nay, dù đã có gia đình, đi làm nhưng lòng tôi cũng thấy chộn rộn không kém các bạn học sinh khi thấy hóa phượng bắt đầu nở. Đôi khi, đi trên đường, bắt gặp một phụ huynh nào đó chở con em phía sau, có đứa còn tranh thủ cầm tập học cả trên xe, có đứa ôm lưng ba mẹ gật gù, tôi biết, chắc các em đang vào mùa thi, cũng căng thẳng, học nhiều, mất ngủ giống như mình những năm thơ cũ.
Lại một mùa thi nữa sắp đến. Tôi mong rằng, những "sĩ tử" của mùa thi năm nay đạt được nhiều kết quả trong kỳ thi. Dù đậu hay rớt, dù kết quả ra sao thì cũng hãy phấn chấn tinh thần, tìm kiếm cơ hội khác. Hi vọng mùa "ăn ớt" này của các sĩ tử không phải gặp "ớt hiểm" mà chỉ gặp các loại ớt cảnh không cay đẹp mắt và nhiều kỷ niệm.
Theo PN