Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xây biệt thự để... giữ trẻ


Hiện nay, do quy định trường mầm non chỉ được xây một trệt một lầu nên hầu hết các cơ sở mầm non ngoài công lập đều "lách" bằng cách xin phép xây dựng biệt thự.


Ngày 25.4, HĐND TP.HCM đã làm việc với sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện các chính sách về đất đai và quy hoạch phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn TP.
Vướng thủ tục


Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, cho biết theo kế hoạch giai đoạn 2013- 2015, TP sẽ đầu tư xây dựng 121 trường mầm non nhưng hiện nay ngoài vấn đề vốn, quỹ đất để xây trường và các thủ tục xây dựng cũng là trở ngại lớn.


Hiện nay, do quy định trường mầm non chỉ được xây một trệt một lầu nên hầu hết các cơ sở mầm non ngoài công lập đều "lách" bằng cách xin phép xây dựng biệt thự, sau đó chuyển đổi một số chức năng, nội thất để mở nhà trẻ.


"Làm như vậy chắc chắn không đúng công năng, không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, thoát hiểm... Tôi không ủng hộ điều đó nhưng cũng phải thấy rằng việc đảm bảo diện tích cho các cháu là hết sức khó. Tôi đề nghị sở xây dựng nghiên cứu có thể cho xây dựng thêm tầng cao để sử dụng làm các phòng chức năng hay bếp núc, còn chỗ học của các cháu và sân chơi vẫn để dưới đất", ông Hùng gợi ý.


Theo ông Quách Hồng Tuyến - Phó giám đốc Sở Xây dựng, muốn cấp phép xây dựng phải có quyền sử dụng đất, các dự án không sử dụng vốn ngân sách thì phải làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất, nhiều tổ chức cá nhân có đất muốn xây dựng trường học nhưng không xây dựng được, do không đóng được tiền sử dụng đất, đây là một vướng mắc lớn.


Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết do quy định pháp luật chồng chéo nhau. Thông tư 91/2006 của Bộ Tài chính quy định các cơ sở giáo dục ngoài công lập không phải nộp tiền sử dụng đất nhưng Nghị định 69/2008 thì quy định có thu tiền sử dụng đất đối với đất đô thị.


Trường mầm non trong KCN Tân Tạo (Bình Tân)


Về việc bồi thường, giải phóng mặt bằn, cũng Nghị định 69 quy định ngân sách sẽ hoàn trả cho chủ đầu tư 100% chi phí nhưng Thông tư 135 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này lại quy định chủ đầu tư chỉ được hỗ trợ một phần; và mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh quyết định, TP cũng chưa có quy định về mức hỗ trợ này.


Hiện TP có 955 khu đất sử dụng cho giáo dục mầm non nhưng mới 455 khu đất được cấp quyền sử dụng đất, trong đó huyện Củ Chi có 115 khu đất nhưng mới chỉ 1 khu được cấp quyền sử dụng đất, quận 12, Bình Tân và huyện Cần Giờ chưa được cấp khu nào!


Hiểu sai
Ông Hồng cũng cho biết, một số tiêu chí về chính sách miễn giảm thuế cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ có tiêu chí: quy mô từ 100 học sinh trở lên/ cơ sở, diện tích đất tối thiểu là 8m 2/học sinh. Tính ra một cơ sở phải có diện tích trên 800 m2, điều này quá khó đối với địa bàn đông đúc như TP.HCM, theo quy hoạch sử dụng đất của TP đến năm 2020, diện tích đất dành cho giáo dục chỉ đạt 4m2/học sinh.


Một trường mầm non bị giải tỏa vì dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nhưng đến nay vẫn chưa biết xây dựng ở đâu, cả hiệu trưởng và giáo viên đều thất nghiệp.


Tại một huyện khác, trường mầm non mới đưa vào sử dụng đã bỏ cơ sở cũ hoang hóa, trong khi một nhóm trẻ tìm mãi không ra mặt bằng... đó là những bằng chứng sinh động về bất cập trong sử dụng đất xây dựng trường mầm non mà ông Hùng chứng kiến tại một số quận huyện.


Đại diện các sở ngành tham gia cuộc họp cho rằng, Quyết định 02/2003 của UBND TP phê duyệt về quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2003- 2013 áp dụng chung cho hệ thống giáo dục nhưng các quận huyện đều mặc nhiên là chỉ áp dụng cho trường công lập nên mới dẫn đến hiện tượng quẩn quanh: đất giáo dục không có chủ đầu tư, người cần xây dựng thì không có đất hoặc đất có thì không thuộc diện quy hoạch cho giáo dục.


Ông Tuyến đề xuất, đối với các dự án chung cư mới TP nên quy định chủ đầu tư phải xây dựng trường mầm non theo quy mô dân số hoặc bàn giao lại đất cho địa phương xây dựng.


Tuy nhiên, bà Thi Thị Tuyết Nhung- Phó ban Văn hóa - Xã hội cho rẳng, trước kia TP cũng có quy định về việc các chung cư phải xây dựng hạ tầng xã hội: cây xanh, trường mẫu giáo... nhưng không ít chung cư không xây dựng hoặc xây xong lại chuyển đổi công năng cho thuê.


Do đó, bà Nhung để nghị Sở Xây dựng phải có văn bản báo cáo cho HĐND và UBND TP về các dự án chung cư không chấp hành đúng yêu cầu về trường mầm non cũng như các hạ tầng xã hội khác.


TP.HCM đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào giáo dục mầm non để giảm tải nhưng nguồn đất dành cho các trường mầm non quá "hẻo" lại thêm quy định chồng chéo khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.


Theo Một thế giới