Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh sởi thông thường như tránh để trẻ đến nơi đông người, vệ sinh cá nhân sạch sẽ,đeo khẩu trang mỗi khi ra đường... thì các bác sĩ khuyên cần cho trẻ ăn theo chế độ vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Do diễn biến phức tạp của dịch sởi nên trong những ngày vừa qua, tại Hà Nội nhiều người đổ xô đưa con đi tiêm phòng. Tuy nhiên, có thể do vẫn còn tâm lý e ngại với vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều phụ huynh chọn tiêm dịch vụ đã dẫn đến khan hiếm, hết loại vắc-xin này.
Đối với vắc-xin sởi, một loại vắc-xin "made in Việt Nam" theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là loại vắc-xin tốt. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam sản xuất vắc-xin sởi theo công nghệ Nhật Bản. Trong số các vắc-xin do chúng ta sản xuất thì vắc-xin sởi là tốt nhất. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đặt hàng, yêu cầu Việt Nam sản xuất vắc-xin sởi để xuất khẩu. Vì thế, không thể nói vắc-xin của Việt Nam không tốt.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng sởi cho trẻ. Ảnh: N.P
Việc phụ huynh đưa con đi tiêm phòng sởi tại các điểm tiêm dịch vụ vì chuộng vắc-xin ngoại sẽ không có gì trở ngại cho việc phòng bệnh nếu như các vắc-xin này không bị hết. Nhiều người vẫn "chờ" vắc-xin dịch vụ về mới tiêm chứ không tiêm trong chương trình mở rộng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, do vắc-xin dịch vụ hết, không nhập về kịp nên tại các điểm tiêm dịch vụ chúng tôi đã bố trí thêm điểm tiêm miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng để mọi người đến có thể tiêm luôn cho trẻ. Cho đến nay, Hà Nội đã triển khai thêm được 50 điểm tiêm và cố gắng hoàn thành tiêm chủng trong tháng 4.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi, trẻ dưới 9 tháng tuổi không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc mẹ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc-xin sởi đầy đủ; trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc-xin trước đây. Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc-xin sởi. Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Nhưng cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại vắc-xin và tùy thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc-xin sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm.Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc-xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.
Việc tiêm vắc-xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh. Ngay cả phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm vắc-xin sởi bởi kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.
Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh sởi thông thường như tránh để trẻ đến nơi đông người, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường... thì các bác sĩ khuyên cần cho trẻ ăn theo chế độ vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đó là những thực phẩm giàu kẽm, giúp khống chế sự sinh sôi và nảy nở của virus. Vì vậy bổ sung kẽm cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Kẽm có nhiều trong thịt bò nạc, hải sản, đậu, rau bi-na, nấm; tăng cường rau củ quả chứa nhiều Vitamin A và Vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé; sữa chua; tỏi vì thành phần của tỏi chứa nhiều chất kháng sinh allicin chống lại virus gây bệnh.
Theo PL&XH