Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp: Cách nào để “gỡ rối”?


Liên tiếp các vụ tai nạn xảy đến với trẻ mầm non (MN) là con của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) đã làm "nóng" dư luận về việc xây dựng trường học cho trẻ ngay tại nơi bố mẹ sinh sống và làm việc. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đề cập, nhưng thực tế triển khai công tác quản lý còn nhiều bất cập...


"Nóng" cầu, nguồn cung yếu
Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 2,1 triệu công nhân làm việc tại các KCN, hơn 80% trong số này là nữ và hầu hết đều trong độ tuổi có con nhỏ. Điều này cho thấy nhu cầu gửi trẻ tại các KCN là rất lớn, nhưng việc đáp ứng nhu cầu chính đáng đó không đơn giản. Tại hội thảo về quản lý nhóm trẻ MN ngoài công lập diễn ra mới đây, ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành đều thừa nhận chỗ học cho trẻ MN hiện nay còn thiếu, trầm trọng nhất là tại các KCN, khu chế xuất... Khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại 5 tỉnh, thành phố có nhiều KCN (gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Dương), hầu hết con của công nhân làm việc tại các KCN đều được gửi vào điểm giữ trẻ tại gia chưa được cấp phép. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ có khoảng 1/5 số trẻ là con công nhân tại các KCN ở TP Hồ Chí Minh được đi học, số còn lại vẫn đang trông chờ các dự án xây dựng trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với trẻ.


Chỗ học cho trẻ mầm non tại các khu công nghiệp còn rất thiếu. Ảnh: Phương Thảo


Bà Đinh Thị Hương, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, có khoảng 58.000 công nhân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn, trong đó, khoảng 2/3 có con trong độ tuổi MN. Tuy vậy, trên địa bàn hiện chưa có trường MN dành cho con em công nhân, các trường công lập hiện có không thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của họ. KCN Bắc Thăng Long có gần 4.000 trẻ trong độ tuổi MN nhưng chỉ gần 1/2 số này được đi học và phần lớn là học tại các cơ sở ngoài công lập. KCN đã dành 4.000m2 đất cho việc xây trường học, nhưng việc đó đến nay chưa được thực hiện.


Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng trường MN tại các KCN gặp vướng mắc ngay từ các văn bản quản lý. Đại diện Bộ GD-ĐT dẫn chứng: Theo quy định tại Nghị định số 36/1997/NĐ-CP và Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì tại các KCN, khu chế xuất không có dân cư sinh sống. Do đó, theo quy hoạch được phê duyệt, các khu này đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ người lao động và việc tìm quỹ đất trong các KCN để xây dựng trường MN là rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả khi đã chọn được địa điểm xây dựng thì việc xác định ranh giới đất, tiến độ xây dựng trường thường bị chậm do phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch, đo vẽ...


"Gỡ rối" bằng cách nào?
Trước nguy cơ tiềm ẩn từ các cơ sở MN ngoài công lập đối với trẻ là con em công nhân tại các KCN, tại Đông Anh, ngoài việc tổ chức các điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân có lồng ghép nội dung về chăm sóc, giáo dục trẻ, Phòng GD-ĐT huyện đã thành lập tổ tự quản của công nhân tại các khu nhà trọ. Tổ tự quản có trách nhiệm theo dõi tình hình chăm sóc, giáo dục trẻ của các gia đình trong khu nhà trọ, đặc biệt là với các gia đình có thuê người trông giữ trẻ. Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây cho biết, một số KCN ở Mê Linh, Thạch Thất, Đông Anh... đang triển khai xây dựng trường MN nhờ nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố và một số doanh nghiệp. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND thành phố về chính sách hỗ trợ trang thiết bị, chế độ dành cho giáo viên để trẻ MN ở các KCN được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất.


Thực tế cho thấy, việc xây dựng trường học cho trẻ tại các KCN phải cần sự chung tay của nhiều lực lượng và có sự chỉ đạo quyết liệt để triển khai đồng bộ, tránh tình trạng địa phương nào quan tâm thì trẻ có chỗ học, nơi lơ là thì trẻ bị "bỏ rơi". Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo quy định trước đây thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng trường MN tại các cơ sở sản xuất (trường hiệp quản), nay mô hình này đã không còn, Nhà nước phải có trách nhiệm. Có nhiều giải pháp cho việc này, có thể là hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm thuế, đào tạo giáo viên... nhằm thúc đẩy sự vào cuộc của doanh nghiệp trong việc tổ chức nơi trông giữ trẻ cho con công nhân.


Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh Nghị định 29/2008/NĐ-CP, cho phép bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình bảo đảm an sinh cho người lao động tại KCN, trong đó có việc xây trường học. Các KCN trong quá trình phát triển, mở rộng quy mô phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở ổn định cho công nhân, đồng thời phải dành quỹ đất xây trường học. Nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế... để xã hội hóa công tác đầu tư phát triển các cơ sở MN tại KCN. Đó là chính sách lâu dài, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, địa phương và tương lai của gia đình người lao động.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020", góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Một số mục tiêu của đề án: Hỗ trợ xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập tư thục; 80% số giáo viên, bảo mẫu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ; 70% số trẻ được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 95% các bà mẹ ở khu công nghiệp được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ.


Theo HNM