Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất của các trường mầm non tại các xã miền núi của Hà Nội đã được thành phố đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thì nhiều trường vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, chất lượng dạy học.
Giờ học của các bé Trường mầm non xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Ảnh: LÂM NGUYỄN.
Cơ sở vật chất - rào cản đạt chuẩn
Cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, đồ dùng, dụng cụ dạy và học, đồ chơi thiếu thốn là những khó khăn mà các trường mầm non, nhất là các điểm trường trong thôn, bản tại khu vực miền núi thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì đang gặp phải. Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Trung (huyện Thạch Thất) Đinh Thị Thúy Hường cho biết, ngoài điểm trường chính, xã có bốn điểm trường nằm trong các thôn, cách xa trường chính khoảng 3, 4 km. Toàn xã có 235 cháu trong độ tuổi đi học, trong đó, các cháu bốn đến năm tuổi đến lớp đạt 100%, số cháu ba tuổi đến lớp đạt 85%. Từ năm 2008, sau khi sáp nhập Hà Nội, thành phố đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang, thiết bị, dụng cụ học tập, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học của trường. Cụ thể, xã còn hai điểm trường tại khu Luông và khu Đồng Tơi chưa có tường bao, biển hiệu. Ngay cả trường trung tâm cũng thiếu đồ dùng học tập.
Cũng nằm trong diện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, hiện Trường mầm non thôn Miễu, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) phải mượn một phòng của nhà văn hóa thôn làm lớp học. Căn phòng rộng chừng 50 m 2 được chia thành từng khu vực riêng lẻ. Lượng đồ chơi trong lớp rất hạn chế, chủ yếu ưu tiên cho trẻ nhỏ hai, ba tuổi, các bé còn lại được giáo viên dạy học chữ, tô mầu, hát... Tương tự, hệ thống Trường mầm non xã Tiến Xuân với năm điểm trường phân bố tại các thôn, trong đó có tới ba trong số năm điểm trường hiện không có tường bao chung quanh. Thiết bị cho các bé vui chơi ngoài trời cũng gần như trống trơn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục.
Tại xã Đông Xuân (Quốc Oai) có bốn điểm trường mầm non, thì ba điểm trường gần như không có bất cứ đồ chơi ngoài trời nào dành cho các bé. Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đông Xuân Hoàng Thị Cầu cho biết, dù nhiều thứ còn thiếu thốn nhưng so với thời điểm trước khi sáp nhập với Hà Nội cũng đã là một thay đổi lớn. "Trước đây, các bé phải học tại các địa điểm mượn được của hợp tác xã và nhà văn hóa thôn. Cơ sở chính của trường cũng chỉ mới được đưa vào sử dụng cách đây ba năm", cô Cầu chia sẻ.
Xóa khoảng cách giữa địa phương
Hiện nay, hệ thống giáo dục mầm non tại các xã miền núi Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai) đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất Đỗ Thị Thúy Nga, nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất giáo dục còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Theo quy định, để đạt chuẩn mầm non, diện tích lớp học phải bảo đảm ít nhất 10 m 2 /trẻ. Trong khi đó, hầu hết các điểm trường ở miền núi chưa đạt tiêu chuẩn này. Ngoài ra, việc thiếu trang, thiết bị y tế, nhà ăn cũng là những khó khăn khiến cho các trường mầm non khu vực miền núi khó đạt chuẩn quốc gia.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Hợi, các trường mầm non tại các xã miền núi thường xa trung tâm, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, gây vất vả không chỉ cho các giáo viên, mà còn với cả phụ huynh học sinh. Thêm vào đó, dù rất nỗ lực vượt khó và được sự quan tâm của huyện, thành phố, song hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại những điểm trường này vẫn còn một khoảng cách rất xa so với các trường mầm non ở vùng đồng bằng, gần trung tâm huyện.
Chung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, đối với những xã khó khăn, đặc biệt là những xã miền núi, thành phố có chính sách ưu tiên đặc thù phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Ba năm qua, thành phố đã xóa 629 điểm trường lẻ, thành lập nhiều trường mầm non mới và mầm non trung tâm, thuận tiện cho việc đưa đón các cháu. Thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô vẫn dành mối quan tâm đặc biệt cho các trường khu vực miền núi, cố gắng để giảm sự chênh lệch về giáo dục giữa các quận, huyện. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản báo cáo thành phố đề xuất cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho các xã miền núi kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cho năm huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp, nhằm tạo điều kiện để các trường miền núi phát triển ngang tầm với trường học miền xuôi. Sự chênh lệch về hạ tầng, chất lượng giáo dục giữa các quận, huyện sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ là một trong năm điều kiện để nhà trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, bản thân các trường cần phải nỗ lực hơn nữa, nhất là trong việc nâng cao trình độ giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học.
Theo Nhân Dân