Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đổi mới giáo dục và bạo hành trẻ em


Sự khác biệt của các câu truyện trên đây cho thấy gì? Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ lứa tuổi nào? Đổi mới giáo dục nhằm mục đích gì? Cho một tương lai nào?...


1. Trong lúc Quốc hội đang "chê" đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT thì người dân bị sốc vì nhiều thứ, trong đó con số tiền tỉ khiến nhiều người choáng.


Điều "nhạy cảm" nhất hiện nay là hễ đụng đến tiền là ai cũng sốc. Vì thật ra, nếu để thay đổi được phương pháp dạy và học hiện nay đang làm giáo dục Việt Nam xếp hạng gần chót trong bản đồ giáo dục thế giới, thì việc bỏ bao nhiêu tiền hay kết quả của nó sẽ quan trọng hơn?


Nhưng nếu không thiết thực thì một ngàn đồng cũng gây sốc, chứ không phải vài chục ngàn tỉ như con số mà Bộ đưa ra.

***


2. Bên cạnh những tờ báo đưa tin trang nhất về câu chuyện đề án ba chục tỉ cho giáo dục thì các trang mạng lại truyền nhau đọc bản tin nhỏ đầy hữu ích: 10 kỹ năng sống cần phải dạy cho trẻ trước khi vào tiểu học do Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, dịch vụ và kỹ năng trẻ em (Ofsted) ở Anh vừa đưa ra.


Mười kỹ năng này, đơn giản là:
- Ngồi yên và giữ yên lặng
- Tôn trọng các bạn khác
- Hiểu được từ "không được phép" và những giới hạn trong hành vi của mình
- Hiểu được từ "dừng lại" và những nhóm từ được sử dụng để ngăn ngừa nguy hiểm
- Được dạy những kỹ năng thông thường và có khả năng tự đi toilet
- Nhận biết tên mình
- Biết yêu cầu người lớn giúp đỡ
- Biết cởi áo khoác và mang giày
- Biết nói nguyên câu
- Biết mở và xem sách

***


3. Sự phẫn nộ của công chúng về cách hành xử của một siêu thị sách ở Gia Lai đối với đứa trẻ 12 tuổi, đang ở độ tuổi học sinh, chỉ vì em dại dột lấy hai quyển sách của siêu thị. Họ liền bắt trói và treo bản "tôi là kẻ ăn cắp" bắt em đứng dang tay ở siêu thị, rồi chụp ảnh đưa lên facebook, kẻ hành xử ấy cụ thể là một thanh niên 25 tuổi, làm nhân viên siêu thị và cùng với những nhân viên khác hành hạ, làm nhục một đứa trẻ, bất kể hậu họa ra sao.


Hiện em bé đang trong cơn hoảng loạn vì bị tổn thương nặng về mặt tâm lý và tinh thần. Giữa thế kỷ 21, mà con người có thể hành xử với nhau không khác gì thời trung cổ, thế kỷ 17.


Thử hỏi, trong chúng ta và cả những người đã hành xử với em bé đó, liệu chưa bao giờ lấy cắp của ai, vật gì?


Dạy lòng nhân ái, dạy cách ứng xử nhân văn, dạy cho người ta tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ bắt đầu từ đứa trẻ lên năm hay cho những người đã trở thành người lớn?


Tôi nghĩ rằng, dư luận không nên dừng ở chuyện này, mà chính dư luận sẽ phải bảo vệ em và cần lên án, xử lý nghiêm minh những kẻ dùng bạo lực văn hóa kia. Giáo dục rất cần sự công chính, và đó là một trong những bài học làm người đầu tiên mà giáo dục cần chú trọng.

***


Sự khác biệt của các câu truyện trên đây cho thấy gì?

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đâu?

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ lứa tuổi nào?

Đổi mới giáo dục nhằm mục đích gì? Cho một tương lai nào?

Hàng loạt những câu hỏi trên đây, nếu Bộ GD-ĐT chịu khó làm ra một đề án để trả lời, thì có lẽ cũng sẽ có một đề án thích hợp cho việc thay đổi giáo dục Việt Nam một cách triệt để và thực tiễn hơn rất nhiều.


Theo motthegioi.vn