Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chỗ học cho con em công nhân: Vào thì khó, gửi thì lo


Trước thực trạng nhức nhối về nạn bạo hành trẻ em ở các nhóm trẻ gia đình không phép trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, cuối tuần qua, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Vai trò của công đoàn trong chăm lo cho con công nhân lao động lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo".


Nữ công nhân rất lo lắng khi gửi con ở các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập


Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự "chia lửa" giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây trường, vì chỗ học cho con em công nhân hiện nay rất bức thiết...


Gửi con mà cứ nơm nớp lo tai nạn
Ông Trần Công Khanh - Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX TP.HCM - cho biết: "TP.HCM hiện có 15 KCN-KCX với trên 287 ngàn lao động. Trong đó lao động nữ chiếm khoảng 61%, tương đương 175 ngàn lao động. 70% lao động ở đây là dân nhập cư nên khi có con nhu cầu gửi con là rất lớn...".


Tuy nhiên, "Nhiều lao động nữ không thể gửi con tại các trường mầm non (MN) công lập do không có hộ khẩu thường trú, do con chưa đủ 3 tuổi. Vì vậy, nhiều cơ sở giữ con cho công nhân ở các KCN-KCX được tư nhân đua nhau mở ra. Phần lớn những cơ sở này đều không đạt tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, nhiều cơ sở không có phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như vụ bạo hành trẻ ở nhà trẻ Phương Anh (Q.Thủ Đức), vụ bạo hành của bảo mẫu Hồ Thị Ngọc Nhờ (Q.Thủ Đức) dẫn đến cái chết của bé Đỗ Nhất Long, vụ bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hòa (Đồng Nai) đánh đập dã man trẻ em...", bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - tâm tư.


Thực trạng này trở thành nỗi ám ảnh của đông đảo công nhân khi phải gửi con ở những cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Chị Trần Thị Hoa (công nhân Công ty May Minh Hoàng, Q.Gò Vấp), tâm sự: "Sáng đưa con đi học, vào công ty làm việc mà cứ thấp thỏm không biết bữa nay con có ăn được không, có bị cô đánh không. Chiều đón con về, thấy không sao là mừng lắm. Nhiều lúc muốn gửi con vào những trường an toàn nhưng học phí ở đây cao quá, lương của tôi chỉ có 4 triệu đồng/tháng không cách nào trang trải nổi".


Cùng nỗi niềm với chị Hoa, chị Đậu Thị Đức (công nhân KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức), nói: "Con tôi đang học tại một trường MN tư thục ở Q.Thủ Đức, học phí là 1,2 triệu đồng/tháng. Dạo gần đây nghe nói chất lượng giáo dục ở những cơ sở MN tư thục không đảm bảo, vợ chồng tôi thật sự rất lo lắng. Nhất là những hôm hai vợ chồng phải tăng ca không thể đón con đúng giờ quy định. Tuy có đóng thêm tiền để cô trông ngoài giờ nhưng vẫn không an tâm cho sự an toàn của con".


Vào trường MN tỷ lệ "chọi" ... 1/50

TP.HCM hiện có 419 trường MN công lập. Các trường chủ yếu nhận trẻ từ 3 tuổi trở lên, trong khi đó công nhân phải đi làm khi con tròn 6 tháng tuổi. Vì vậy, sự chăm lo cho con công nhân ở các KCN-KCX của ngành giáo dục còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP.HCM đã yêu cầu các KCN-KCX phải dành quỹ đất để xây trường MN cho con công nhân. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ thì trong các KCN-KCX không được có cư dân sinh sống. Căn cứ vào quy định này, nhiều doanh nghiệp "né" trách nhiệm chăm lo cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp thực hiện nhưng chỉ "làm cho có".


Chẳng hạn như ở KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè) có 4 lớp MN dành cho con công nhân. 4 lớp này chỉ đủ để nhận khoảng 150 cháu, trong khi nhu cầu của công nhân cao gấp 2-3 lần. Bà Nguyễn Hồng Bích - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hai Thanh (KCN Hiệp Phước) - cho biết: "Những công nhân chậm chân sẽ không có cơ hội gửi con vào đây". Hay như Công ty Việt Nam Sambo (KCN Củ Chi) cũng mở 6 lớp dành cho con công nhân. Nhưng lớp nào lớp nấy chật như nêm, có lớp chỉ 43m2 nhưng có tới 56 trẻ. Đã vậy, cả 6 lớp đều ở trên lầu, phía dưới là một nhà kho chứa hàng ép nhựa nên nguy cơ cháy là rất lớn. Hiện 6 lớp này đang nuôi giữ khoảng 250 trẻ là con công nhân của công ty. Khi Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi xuống kiểm tra thấy không an toàn cho trẻ đã yêu cầu giảm số cháu xuống còn 60-70 cháu thì công ty không chịu. Và lý do họ đưa ra là: "Giữ 60-70 cháu thì không thấm vào đâu so với nhu cầu của gần 3 ngàn công nhân có con dưới 6 tuổi. Chúng tôi rất khổ sở vì nhiều công nhân của công ty không xin cho con vào học được, họ ví von: Tuyển sinh vào lớp MN gì đâu mà có tỷ lệ "chọi" lên đến 1/50, cao hơn gấp mấy chục lần thi vào ĐH!", ông Tô Long Quốc Vinh - Trưởng phòng Nhân sự công ty chua chát nói.


Cái lý của ông Vinh không phải là không có nhưng dù sao thì vấn đề an toàn của trẻ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Như vậy thì mấy ngàn trẻ ở đây sẽ phải đi đâu khi mà các trường MN công lập trên địa bàn không đủ chỗ, quá xa công ty; còn trường ngoài công lập thì học phí cao, điều kiện an toàn cho trẻ hạn chế...


Không những vậy, theo bà Nguyễn Hồng Bích (KCN Hiệp Phước) thì trường MN ở đây chỉ giữ trẻ từ thứ hai đến thứ sáu trong khi công nhân phải làm cả thứ bảy. "Cứ thứ bảy là công nhân lại phải chạy đôn chạy đáo tìm nhóm trẻ gia đình gửi con. Theo tôi, trường cho con công nhân phải hoạt động theo giờ làm việc của công nhân. Cụ thể hoạt động từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, giữ trẻ cả ngày thứ bảy", bà Bích mong mỏi.


Từ những bức xúc này, bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: "Phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước, người lao động. Không thể đổ hết cho doanh nghiệp hay người lao động, Nhà nước cần hỗ trợ cho trẻ học ở các trường ngoài công lập khoảng 50%/cháu so với trẻ học ở trường công lập".


Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Ngoài việc xây dựng trường MN ở các KCN-KCX, TP.HCM sẽ xây dựng trường MN ở ven KCN-KCX để giải quyết chỗ gửi con của công nhân. Sở GD-ĐT TP kiến nghị cần có những chính sách, chế độ phù hợp cho giáo viên làm việc theo ca để giữ con của công nhân".


Theo Báo Giáo Dục