Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thiếu nhà trẻ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất


Hiện cả nước có gần hai triệu công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX); trong đó, có gần 70% là nữ. Phần lớn trong số họ có con đang ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, ở hầu hết các KCN, KCX đều không có nhà trẻ, mẫu giáo. Gửi con ở đâu để có thể yên tâm đi làm đang trở thành vấn đề bức xúc, nhất là thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em ở một số cơ sở trông giữ trẻ tư nhân.


Ðược gửi con vào nơi giữ trẻ đạt "chuẩn" như thế này là mơ ước của nhiều công nhân.


Dù được làm việc tại KCN có quy mô lớn và hiện đại nhất Hà Nội, nhưng cuộc sống của những công nhân KCN Bắc Thăng Long (Ðông Anh, Hà Nội) vẫn còn rất nhiều vất vả. Lương thấp, chỗ ở phải đi thuê, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự không bảo đảm. Nhưng khổ nhất vẫn là việc không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Muốn gửi con vào trường công lập nhưng không được nhận, gửi ở trường tư thục đạt chuẩn thì đồng lương không kham nổi. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng là công nhân phải chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà, người thân chăm sóc. Phần lớn số công nhân còn lại đành chấp nhận "rủi ro" gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát. Ðây là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo nhỏ lẻ, chưa được cấp phép, chế độ chăm sóc, giáo dục trẻ không đạt yêu cầu. Người trông giữ trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non, mà là những ông, bà, những phụ nữ không có việc làm, nhận trông giữ từ vài trẻ đến hàng chục trẻ. Ðây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn đối với trẻ em.


Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðông Anh (Hà Nội) Ðinh Thị Hương cho biết: KCN Bắc Thăng Long hiện có khoảng 3.847 trẻ, số trẻ đang được đi học là 1.782 trẻ, trong đó hơn hai phần ba số trẻ học ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nguyên nhân là KCN chưa có trường mầm non riêng cho con công nhân, hệ thống trường công lập trên địa bàn lại không đáp ứng được yêu cầu do số lượng trẻ là con công nhân tăng cao.


Qua tìm hiểu, phần lớn con của công nhân làm việc trong KCN Bắc Thăng Long không được học ở các trường công lập, không chỉ vì thiếu trường, mà còn có nguyên nhân khác. Ðó là vì họ đều là những lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng.


Thực trạng thiếu nhà trẻ dành cho con công nhân hiện đang làm việc trong các KCN, KCX không chỉ xảy ra ở riêng địa bàn huyện Ðông Anh (Hà Nội) mà trên phạm vi cả nước. Trưởng Ban gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: Năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành một cuộc khảo sát tại năm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, đó là: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy, hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhóm trẻ nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, kết quả là chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát.


Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch - Ðầu tư, tính đến ngày 20-11-2013, đã có 289 KCN, KCX được thành lập ở 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 184 KCN, KCX đi vào hoạt động, với gần hai triệu công nhân. Có tới 60 đến 70% công nhân là nữ, trong đó khoảng 30% trong độ tuổi sinh đẻ, khoảng 70% có con ở độ tuổi mầm non. Vì vậy, nhu cầu gửi trẻ, nhất là trẻ từ sáu đến 36 tháng tuổi của người lao động tại các KCN, KCX là rất cao, nhưng hầu như chưa có nơi nào có nhà trẻ dành riêng cho con công nhân.


Cùng với tình trạng thiếu trường, lớp học mầm non cho con công nhân lao động, bất cập hiện nay là các trường công lập cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng. Như vậy, trong khoảng thời gian trẻ từ sáu tháng đến 18 tháng tuổi, người lao động biết gửi con vào đâu nếu không muốn gửi con vào những nơi trông giữ trẻ thiếu an toàn?


Không có nhà trẻ trong KCN, KCX, nhiều nữ công nhân phải gửi con ở những nơi vừa xa nhà, vừa xa nơi làm việc, đi lại rất vất vả và tốn nhiều thời gian, trong khi họ thường phải đi sớm, về muộn, làm việc theo ca, kíp. Ðiều 116 Luật Lao động quy định: "Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi mẫu giáo". Luật là như thế, nhưng trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp chưa quan tâm tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo dành cho lao động nữ có con nhỏ gửi. Họ lấy lý do không có kinh phí xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo. Vấn đề trợ cấp cho lao động nữ gửi trẻ, các doanh nghiệp cũng cố tình "lờ đi".


Thực tế cho thấy, các KCN, KCX không có quỹ đất để xây dựng những công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Công nhân làm việc trong các KCN, KCX còn không được bố trí nơi ở, nói gì đến việc xây nhà trẻ. Ðây là "rào cản" cần phải được tháo gỡ để phát triển trường mầm non trong các KCN, KCX, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động.

 

Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Ðể giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp, mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước và xã hội. Ðồng thời, Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.


Theo nhandandientu