Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cúm gia cầm “đe dọa” trẻ: thử thách cho mẹ


Sức đề kháng yếu, chưa có ý thức phòng bệnh và đặc biệt rất thân thiện với gia cầm, vật nuôi trong nhà, trẻ em có nhiều nguy cơ nhiễm virút cúm hơn người lớn.


Do đó, trước tình hình dịch cúm đang căng, mỗi bà mẹ nên chủ động phòng bệnh cho trẻ trước khi quá muộn.


Gần gũi, thân thiện với các loại chim chóc, gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi tại nhà, trẻ không chỉ chơi đùa mà còn thích sờ bắt chúng và không hề có ý thức phòng bệnh như người lớn. Trong khi đó, virút cúm A (H5N1) rất dễ lây từ gia cầm sang người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc vô tình chạm, hít phải phải nước bọt, phân... của gia cầm lẩn trong bụi đất, không khí. Đặc biệt, mùa này, không chỉ có cúm mà dịch sởi, các bệnh liên quan đến hô hấp cũng đang quấy rối trẻ. Nếu chẳng may trẻ mắc bệnh, sức đề kháng kém, vi rút cúm càng dễ có cơ hội tấn công.


Trẻ em với sức đề kháng yếu có nhiều nguy cơ nhiễm vi rút cúm hơn người lớn.


Vì vậy, mẹ phải đặc biệt quan tâm và chủ động bảo vệ trẻ trong mùa cúm A (H5N1). Ngoài tránh cho trẻ tiếp xúc với gia cầm hay các khu vực "nguy hiểm" như: chợ, sở thú (thường có nuôi chim cảnh)... các mẹ cần có biện pháp chủ động hơn vì chúng ta không thể biết chính xác, vi rút cúm đang có ở đâu. Do đó, nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên với nước rửa tay diệt khuẩn là cách phòng cúm đơn giản nhưng hiệu quả nhất hiện nay, được WHO khuyến cáo hàng đầu trong các biện pháp ngừa cúm.


Thông thường, "bài học" về rửa tay, trẻ được học rất tốt ở trường mầm non, tiểu học. Nếu mẹ giải thích việc rửa tay còn có mục đích "cao cả" hơn là ngừa cúm A, chắc chắn trẻ sẽ thích thú thực hiện. Ngoài rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, mẹ nên nhắc trẻ rửa tay sau khi chơi, khi đi học về, khi tiếp xúc với những bề mặt có nhiều người chạm vào như thành cầu thang, thang máy, chốt cửa, sàn nhà... Đặc biệt, trẻ rất hay dùng tay quệt nước mũi mà dịch mũi lại là môi trường ưa thích để vi rút cúm bám vào nên mẹ cần nhắc trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi hỉ mũi. Rửa tay tuy đơn giản nhưng rửa tay để phòng cúm cần đúng cách, đảm bảo các kẽ ngón tay được miết sạch.


Song song đó, cần chú ý khử trùng tất cả các bề mặt trong nhà và các vật thể mọi người thường xuyên đụng chạm: tay cầm, tay nắm cửa, công tắc đèn, vòi nước với các dung dịch tẩy rửa. Nghe cúm thì sợ nhưng không có nghĩa là mẹ phải "tẩy chay" cả thịt gia cầm. Tốt nhất là nên mua gia cầm làm sẵn có dấu kiểm dịch, gia cầm sống thì phải có nguồn gốc rõ ràng.


Không khó để đối phó với cúm gia cầm. Chỉ cần mỗi bà mẹ có kiến thức và quyết liệt phòng ngừa chủ động để bảo vệ gia đình mà trước hết là trẻ nhỏ.


Theo Eva.vn