Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi còn chậm


Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu năm 2015, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT).


Trẻ mầm non năm tuổi, Trường mầm non Đức Long, xã Đức Long (Quế Võ, Bắc Ninh) được học hai buổi/ngày.


Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai thực hiện Đề án PCGDMNTNT, dù đạt được một số thành công bước đầu, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong quá trình về đích.


Xóa dần những phòng học tạm Chúng tôi đến Trường mầm non Đức Long (xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) khi ngôi trường này vừa khánh thành còn nồng mùi sơn mới. Đây là một trong 126 trường mầm non của tỉnh được xây dựng từ nguồn vốn của đề án và nguồn vốn xã hội hóa.


Cô giáo Bùi Thị Toan, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn chúng tôi đi thăm trường cho biết: "Trước đây khi chưa có đề án nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Trường, lớp xập xệ, thiếu phòng học, thiếu giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp luôn đạt thấp. Nhưng bây giờ chuyện này không còn nữa".


Nhà trường hiện có 16 phòng, được lát đá hoa sáng bóng. Các góc học tập, kệ sách, đồ chơi, trang thiết bị dạy và học được sắp xếp ngăn nắp, khoa học. Ngoài sân trường có nhiều đồ chơi với đầy đủ mầu sắc. Phía bên trên được che chắn bằng nhà mái vòm. Chung quanh có nhiều cây xanh, bồn nước rửa tay, chân. Sát bên cạnh có "Vườn cổ tích". Cô giáo Bùi Thị Toan thành thật: "Vườn cổ tích là thành quả tâm huyết của tập thể cán bộ, công nhân viên của nhà trường từ nhiều năm nay, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhà trường có được cơ ngơi như thế này là nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh. Bên cạnh đó, trường còn chủ động kêu gọi các nguồn tài trợ từ UBND xã, doanh nghiệp trên địa bàn, phụ huynh học sinh được hơn 300 triệu đồng".


Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đức Bưởi cho biết: "Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ GD và ĐT công nhận hoàn thành việc PCGDMNTNT. Ngay từ những ngày đầu triển khai, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như xây mới, mở rộng diện tích phòng học... Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và trường chuẩn quốc gia của tỉnh được ghi nhận cao nhất cả nước (98,1% phòng học kiên cố); ba huyện có 100% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.


Theo đánh giá của Bộ GD và ĐT, Vĩnh Phúc là tỉnh điển hình trong đầu tư ngân sách giải phóng mặt bằng, mở rộng đủ diện tích cho tất cả các trường mầm non; xây dựng các trường mầm non theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc còn ban hành chính sách miễn học phí đối với tất cả trẻ em mẫu giáo vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển số lượng, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Công tác xây dựng trường, lớp và chuyển đổi loại hình từ bán công sang công lập được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tỉnh đã chuyển đổi 158 trường bán công sang công lập từ tháng 9-2010. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Phú Sơn cho biết: "Tỉnh đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng để xây dựng trường học, phòng học, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là 32 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, ở những huyện khó khăn, địa bàn rộng như Tam Đảo, Tam Dương,... tỉnh Vĩnh Phúc còn xây dựng thêm các điểm trường cho học sinh học tập thuận lợi. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã mở rộng 309 nghìn m 2 cho 54 trường mầm non; xây mới 441 phòng học kiên cố".


Sau ba năm triển khai đề án, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình hay trong việc PCGDMNTNT. Tỉnh Khánh Hòa ban hành kịp thời nhiều chính sách như: Ưu tiên đầu tư các nguồn của tỉnh để xây mới phòng học, hỗ trợ 210 nghìn đồng/trẻ/tháng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là người dân tộc thiểu số để duy trì bữa ăn trưa, tăng tỷ lệ trẻ bán trú, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Để thu hút trẻ đến trường học và giảm tỷ lệ số học sinh suy dinh dưỡng, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai Chương trình "Sữa học đường". Tỉnh Lào Cai có chương trình "cơm có thịt" rất thiết thực để thu hút các em đến trường. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường còn "tăng gia sản xuất" cải thiện bữa ăn cho học sinh như: trồng rau, nuôi gà, vịt... Báo cáo mới nhất của Bộ GD và ĐT cho thấy, đến nay các địa phương đã chuyển đổi 3.914 trường mầm non bán công sang công lập.


Đến hết năm học 2012-2013, cả nước có 13 nghìn 741 trường mầm non (tăng thêm 765 trường); hàng chục nghìn phòng học đã được xây dựng theo hướng kiên cố hóa.


Nâng cao chất lượng đội ngũ Cô giáo Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết: "Trước đây chúng ta chưa quan tâm nhiều đến giáo dục mầm non, nhất là đối với lớp trẻ năm tuổi. Do đó, câu chuyện về giáo viên, học sinh mầm non cũng ít người được biết đến, một số người chỉ "ấn tượng" mình đã từng học mầm non ở trong nhà kho, hoặc ở những nơi ẩm mốc mà thôn, xóm không sử dụng. Bản thân tôi cũng một thời như thế". Ngoài việc PCGDMNTNT trường công lập, nhiều năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc còn quan tâm đến hệ thống các trường tư thục. Chị Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Từ năm 2000 đến nay, theo quy định, các trường mầm non công lập có quyền quản lý về chuyên môn, nắm số lượng cũng như hỗ trợ các trường tư thục mở lớp học trên địa bàn. Sau khi các trường tư thục mở được lớp, các trường công lập có trách nhiệm giúp các trường tư thục dạy và học theo chương trình. Nhờ đó, các trường tư thục trên địa bàn cũng đóng góp ngày càng tích cực trong việc PCGDMNTNT".


Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đức Bưởi cho biết: "Ngay từ khi triển khai đề án, tỉnh Bắc Ninh đã quyết tâm và chuyển đổi thành công 135 trường mầm non bán công sang công lập, đồng thời tuyển dụng hơn hai nghìn giáo viên hợp đồng vào biên chế. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 800 giáo viên hợp đồng được tuyển dụng vào biên chế. Đây là yếu tố căn bản để Bắc Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành PCGDMNTNT. Kết quả cho thấy, chất lượng giáo dục đối với trẻ năm tuổi đã tăng lên rõ rệt, các em tự tin hơn khi tới lớp và bố mẹ các em cũng phấn khởi hơn khi con em mình được học trong môi trường bảo đảm chất lượng".


Cô giáo Trần Thị Lương, Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Đức Long (xã Đức Long, huyện Quế Võ) tâm sự: "Năm 2003, tôi bắt đầu dạy học tại Trường mầm non Đức Long.


Tuy nhiên, từ đó tới tháng 9-2011, khi nhà trường được chuyển đổi sang công lập, tôi mới chính thức được tuyển dụng vào biên chế, được hưởng lương theo bằng cấp, ngạch bậc, thâm niên công tác, cao gấp nhiều lần so với trước kia. Cuộc sống được cải thiện đáng kể khiến tôi yên tâm công tác, gắn bó, yêu nghề hơn".


Theo Bộ GD và ĐT, ngoài các yếu tố cần thiết để PCGDMNTNT, yếu tố then chốt dẫn tới thành công của đề án là việc phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Tính đến cuối năm học 2012-2013, tổng số giáo viên mầm non trên toàn quốc là 261 nghìn 480 người, tăng 64 nghìn 841 giáo viên so với năm học 2010-2011.


Đáng chú ý, có hơn 40 nghìn giáo viên mầm non được tuyển dụng vào biên chế, trong đó gần 70% giáo viên được bảo đảm chế độ, chính sách, yên tâm công tác, tâm huyết gắn bó với nghề.


Nguy cơ chậm tiến độ Đến nay, đề án PCGDMNTNT đã đi được hơn một nửa chặng đường, đạt được một số kết quả, tuy nhiên, tiến độ thực hiện đề án còn chậm.


Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với nhà giáo và thiếu giáo viên ngay trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập như: Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Giang.


Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố không có trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia như: Bình Định, Kon Tum, Ninh Thuận, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.


Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long triển khai PCGDMNTNT còn chậm so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng vì đặc thù là vùng sông nước, đi lại khó khăn, hệ thống trường lớp tạm, bán kiên cố còn nhiều. Một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc kinh tế còn khó khăn, địa bàn rộng, nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép, thôn bản ở cách xa nhau, cho nên trẻ đi học không đều. Việc học hai buổi/ngày và thực hiện chương trình mầm non mới còn bất cập. Tại các khu công nghiệp, nhiều nơi thiếu trường, lớp học do có nhiều lao động nhập cư không ổn định; việc tập trung trẻ để phân lớp theo độ tuổi và duy trì trẻ đi học chuyên cần rất khó khăn.


Ngoài ra, ở các khu công nghiệp còn có nhiều trường mầm non tư thục hoạt động không phép, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên không bảo đảm, dẫn tới trẻ thường xuyên bị bạo hành, gây bức xúc trong xã hội.


Đánh giá kết quả ba năm triển khai đề án, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: "Mục tiêu của đề án là đưa số tỉnh, thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2012 và 100% năm 2015. Tính đến đầu tháng 4-2014, cả nước có 14 tỉnh, thành phố được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT; 15 tỉnh đã gửi hồ sơ về bộ đề nghị thẩm định, kiểm tra công nhận trong năm 2013 và 18 tỉnh đăng ký đạt chuẩn năm 2014". Như vậy, so với tiến độ đặt ra về số tỉnh và thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT còn quá thấp.


Mặt khác, kinh phí để thực hiện đề án là 14.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là ngân sách Nhà nước đã chi cho đề án trong thời gian qua là 6.820 tỷ đồng (46,5%) nhưng tiến độ của chương trình đến nay đạt được còn khá khiêm tốn (22,2%). Như vậy, việc cân đối nguồn vốn không thực hiện được như kế hoạch.


Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD và ĐT Nguyễn Bá Minh cho biết: "Bộ GD và ĐT đang đôn đốc các tỉnh vào cuộc quyết liệt với các công việc chính: Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ đến năm 2015, tất cả các tỉnh, thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT.


"Sau ba năm triển khai đề án, đến nay có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn được Bộ GD và ĐT công nhận PCGDMNTNT gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Hưng Yên. Theo quy định, những tỉnh, thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT phải bảo đảm các tiêu chí: Giáo viên đạt trình độ trên chuẩn (có bằng chuyên môn từ cao đẳng trở lên); bảo đảm hai giáo viên/lớp; trường học, phòng học kiên cố; học sinh học hai buổi/ngày; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%...".


(Nguồn: Bộ GD và ĐT)