Thời gian qua, các nhà trẻ, nhóm lớp tư thục liên tục mọc lên, nhiều nơi tiềm ẩn không an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này, nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Trường mầm non chất lượng cao Kangaroo. Ảnh: ST
Tràn lan chưa cấp phép
Tại Hội nghị về quản lý trẻ mầm non ngoài công lập do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về sự phát triển quá "nóng" số lượng các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân trong khi đó chất lượng không được đảm bảo.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại 50 tỉnh/thành phố cho thấy, tính đến tháng 2-2014, có 1.475 trường mầm non tư thục, trong đó có 112 trường tại các khu công nghiệp. Tỷ lệ trẻ độ tuổi nhà trẻ đến trường mầm non tư thục chiếm khoảng 13% so với tổng số trẻ nhà trường (bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập), đối với trẻ mẫu giáo là khoảng 9,2%. Ông Nguyễn Bá Minh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non-Bộ GD&ĐT cho biết: Trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là ở các nhóm lớp độc lập tư thục, còn một số khó khăn, bất cập. Đó là, các trường mầm non tư thục tuy tăng về số lượng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ nên các nhóm lớp tự phát vẫn còn "đất" tồn tại.
Theo ông Minh: Các nhóm lớp trông giữ trẻ tư thục mở ra đã góp phần không nhỏ vào giải quyết nhu cầu cho người dân, giảm quá tải cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường.
Tuy nhiên, theo số liệu ông Minh đưa ra có đến 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép, nhiều nơi số lượng không được cấp phép cao như Bắc Ninh: 1.190, Hải Phòng: 416, Hải Dương: 132. Đại diện UBND thị xã Từ Sơn-Bắc Ninh nói: Tại địa phương nhiều xã, phường không quan tâm tới công tác quản lý dẫn tới nhiều nhóm lớp mọc lên, khó kiểm soát.
"Nhu cầu của phụ huynh, nhất là các công nhân ở các khu công nghiệp ngày càng lớn nên không thể đóng cửa các nhóm lớp này. Hiện tại, thị xã Từ Sơn có 38 nhóm trẻ tư thục, huy động được trên 1.000 trẻ, nhưng chỉ có 13 cơ sở được cấp phép", vị đại diện này cho biết.
Bà Trương Thị Phương Dung-Trưởng phòng Giáo dục mầm non-Sở GD-ĐT Hải Phòng thông tin, hiện TP Hải Phòng có 926 nhóm lớp tư thục độc lập, trong đó có 560 nhóm chưa được cấp phép, chiếm tỷ lệ trên 60%.
Cũng theo bà Dung, tại các nhóm lớp trông giữ trẻ tự phát, diện tích phòng học chật chội, công trình vệ sinh không phù hợp cho trẻ, khu chế biến thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Phần lớn người trông trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Bình đẳng công-tư
Có thể thấy một thực tế là trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng mọi chế độ ưu đãi của Nhà nước, các trường ngoài công lập phải tự mình "bươn chải" để tồn tại.
Để xảy ra nhiều "sự cố" trẻ bị hành hạ, đánh đập dã man hay nguy hại đến tính mạng thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất nên kiên quyết đóng cửa cơ sở mầm non không đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc đóng cửa không khó, vấn đề khi đóng cửa, số trẻ trên sẽ được gửi ở đâu khi mà cha mẹ hay các bậc phụ huynh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nộp hồ sơ học trường công. "Khi mà trường công còn đang quá tải như hiện nay, phụ huynh ở các thành phố lớn phải xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho trẻ vào học trường công, liệu các cơ sở trên có đủ sức tiếp nhận một lượng lớn trẻ?", một lãnh đạo sở GD-ĐT đặt câu hỏi.
Do vậy tại hội nghị, nhiều chuyên gia, lãnh đạo Sở GT-ĐT kiến nghị có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Nhà nước với cơ sở mầm non ngoài công lập. Bà Phạm Thị Hồng Nga-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị, nên giãn thời gian miễn thuế từ 5 năm lên 10 năm cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tại điều kiện cao nhất cho giáo viên các nhóm lớp được đóng bảo hiểm và công khai chất lượng, uy tín của các cơ sở.
Ông Lê Tuyển Cử-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Muốn phát triển bậc giáo dục mầm non không thể phân biệt trường công trường tư. Trái lại, nuôi con là trường ngoài công lập phải được đối tốt hơn con đẻ là trường công.
Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đóng cửa cơ sở mầm non ngoài công lập không đảm bảo chất lượng thì dễ nhưng trẻ sẽ gửi ở đâu. Bà Minh đề xuất: "Trẻ trường công được hỗ trợ 3,4 triệu đồng/tháng thì trẻ ngoài công lập được 1-2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó cần có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi với các nhóm lớp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Họ cũng cần được mua đất sạch, giá gốc để kéo học phí xuống, từ đó sẽ thu hút học sinh vào học, giảm áp lực trường lớp cho trường công".
Theo HQ Online