Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tăng tốc xây trường mới


Năm học 2013 - 2014 sắp kết thúc cũng là thời điểm các địa phương tăng tốc xây dựng trường học để phục vụ năm học mới 2014 - 2015. Báo cáo từ các quận, huyện cho thấy, nếu không đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp thì năm học tới TPHCM sẽ thiếu hàng ngàn chỗ học, tập trung đông ở 2 bậc mầm non và tiểu học. Hiện tại, TPHCM vẫn còn 11 phường, xã "trắng" trường mầm non công lập.


Trước áp lực quá cao về mặt sĩ số, nhiều trường học ở TPHCM đang phải "phá chuẩn" nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ em trên địa bàn.


Gian nan thu hồi đất
Ông Nguyễn Bính, Trưởng ban điều hành khu phố 3, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, bức xúc bày tỏ: "Tiến độ xây dựng trường hiện nay quá chậm, năm nào chúng tôi cũng phải chạy lo tìm chỗ học cho con. Nhiều người phải gửi con qua phường kế cận tìm chỗ học. Thiếu chỗ học đến mức vừa qua có trường còn dán thông báo trước cổng không nhận học sinh có hộ khẩu ở phường Phú Thạnh. Nghe thật chua xót!". Ông Bính cho biết năm nào quận cũng yêu cầu địa phương kê khai số lượng trẻ ra lớp trên địa bàn nhưng đã qua năm lần bảy lượt kê khai mà chỗ học vẫn chưa được giải quyết.


Về thực tế nêu trên, theo ông Phan Thanh Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Tân Phú: "Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 02/2003 do UBND TP phê duyệt về quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2003-2013, trên địa bàn quận Tân Phú mới thu hồi được hơn 10ha đất. Nhìn vào con số sẽ thấy diện tích đất thu hồi quá ít nhưng đó đã là nỗ lực rất lớn của địa phương. Ở đâu có đất trống, chúng tôi đều dốc toàn lực thu hồi nhưng vẫn chưa đuổi kịp tốc độ gia tăng dân số", ông Ngọc bày tỏ. Mặt khác, hiện nay ở tất cả KCX, KCN đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất dành riêng cho giáo dục. Do đó, việc xác định và thu hồi đất xây trường hết sức khó khăn.


Còn theo ông Lê Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND quận 7, khó khăn hiện nay còn đến từ khâu giải quyết hồ sơ thủ tục. "Đơn cử như dự án xây trường mầm non ở KCX Tân Thuận, trên lý thuyết chúng tôi đã được chủ đầu tư bàn giao 900m2 đất sạch để xây trường nhưng vì vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dựng đất, từ đất công nghiệp thành đất đầu tư cho giáo dục, nên đến nay trường cho con em công nhân vẫn chưa thành hình", ông Hiếu cho biết.


Trước tình hình này, các địa phương hiện đang linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp mang tính tạm thời như: lấy đất quy hoạch công viên để xây dựng trường học (quận 7); xây trường trên phần đất đã quy hoạch lộ giới (quận Gò Vấp); chuyển đổi công năng câu lạc bộ thể dục thể thao thành trường học, mượn tạm cơ sở vật chất của trường này "gánh" bớt sĩ số cho trường kia (quận Tân Phú)... Dự kiến đến giữa năm nay, quận Thủ Đức sẽ có thêm 2 trường mầm non đưa vào sử dụng là Mầm non Bình Chiểu và Mầm non Hiệp Bình Chánh. Quận Bình Tân cũng có thêm 4 trường mầm non và 3 trường được nâng cấp mở rộng sẽ đưa vào sử dụng, đáp ứng phần nào nhu cầu bức thiết về chỗ học của người dân trên địa bàn.


"Phá chuẩn"

TPHCM hiện có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước, song chất lượng đào tạo lại luôn ở tốp đầu. Vì sao có nghịch lý này? Thống kê sơ bộ từ phòng GD-ĐT các quận, huyện, hiện nay 2 bậc học có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất là mầm non và tiểu học. Ngược lại, đối với 2 bậc THCS và THPT, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia rất thấp, nhiều địa phương thậm chí không có trường nào đạt chuẩn. Theo ông Lê Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đây là vấn đề liên quan đến việc duy trì sĩ số. "Nhiều trường THPT ở TPHCM đã tồn tại từ rất lâu như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền với chất lượng đào tạo nhiều năm qua đã được kiểm chứng. Không thể vì quy định trường chuẩn quốc gia không quá 45 lớp mà buộc họ kéo giảm số lớp dù chất lượng đào tạo họ vẫn đảm bảo, thậm chí đáp ứng cả những yêu cầu về xây dựng hồ bơi, nhà thi đấu...".


Bên cạnh đó, hiện nay đang tồn tại thực tế đau lòng là các trường chuẩn quốc gia phải thường xuyên "phá chuẩn" để đáp ứng nhu cầu chỗ học của người dân trên địa bàn. Lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở quận trung tâm bày tỏ: "Trước đây theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với khu vực đô thị, diện tích mặt bằng xây dựng trường học phải đạt tối thiểu từ 6m2/học sinh trở lên, nay đã được nới rộng thành diện tích mặt bằng sử dụng. Nhờ đó số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở các thành phố lớn tăng lên đáng kể. Riêng đối với TPHCM, nhiều địa phương đã linh động hạ xuống còn 4m2/học sinh, song với tình hình số lượng học sinh không ngừng tăng cao mỗi năm, trong khi quỹ đất lại có hạn nên dù luôn phấn đấu tăng số lượng trường đạt chuẩn cũng lực bất tòng tâm". Do đó, theo kiến nghị của nhiều đơn vị, với một thành phố đô thị đông dân nhất nước như TPHCM, cần có những quy định riêng mang tính đặc thù về diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu trên mỗi đầu học sinh, nới rộng giới hạn tối đa sĩ số học sinh trong một lớp học nhằm cân bằng giữa 2 yếu tố trường đạt chuẩn mà vẫn chia sẻ được gánh nặng áp lực chỗ học trên địa bàn.


Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2013 - 2014, TPHCM đã đưa vào sử dụng 1.332 phòng học mới. Dự kiến vào đầu năm học 2014 - 2015 sẽ tiếp tục đưa thêm vào sử dụng hơn 200 phòng học, nâng tổng số phòng học được đầu tư xây mới sau 2 năm lên 1.600 phòng, triển khai xây mới gần 170 dự án với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.


Theo SGGP