Khi con ho, sổ mũi: mẹ chớ nên cho uống kháng sinh ngay Thời tiết thay đổi khiến nhiều người bị ho, sổ mũi, sốt nhẹ ngày càng tăng, nhất là ở đối tượng trẻ nhỏ. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng đa số các phụ huynh thường chủ quan tự mua thuốc về điều trị. Dùng kháng sinh cho con vô tội vạ Còn trường hợp của cháu bé Tuấn Anh, 13 tháng tuổi, con chị Kiều Oanh (Tống Duy Tân). Chị Oanh cho biết cháu bị chảy nước mũi thường xuyên và sau đó kèm theo ho. Lo sợ con có thể bị ốm hay ho kéo dài, chị tức tốc đi mua thuốc kháng sinh về điều trị cho cháu hết đợt này đến đợt khác. Nhưng gần 1 tháng uống các loại thuốc kháng sinh mà chứng ho của cháu không đỡ, đến lúc này chị sốt ruột đưa con đi khám, các bác sĩ kết luận cháu bị viêm niêm mạc mũi, họng. Vì cháu vừa trải qua một đợt điều trị kháng sinh dài ngày nên rất có hại cho sức khỏe, khi kê thuốc cho cháu bé, các bác sĩ đã phải cân nhắc rất kỹ để lựa chọn thuốc điều trị cho cháu. Theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Vân Anh (Sở Y tế Hà Nội), hiện nay có rất nhiều trường hợp con bị bệnh kéo dài không khỏi, có khi nặng thêm lên là do các bậc phụ huynh không hiểu, cứ thấy con ho, sốt, chảy nước mũi... là mua kháng sinh cho con uống quá nhiều hết đợt này đến đợt khác mà không tìm rõ nguyên nhân vì sao. Không nhất thiết phải dùng kháng sinh Theo bác sĩ Vân Anh hiện nay do thời tiết đang chuyển mùa, nhất là khu vực miền Bắc trong thời gian qua mưa ẩm kéo dài nhiều ngày đã khiến không ít trẻ nhỏ bị sốt vi rút và nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân gây nên bệnh này đều do vi rút gây ra, thường chỉ sau 5 - 7 ngày là khỏi mà không cần phải dùng kháng sinh, chỉ cần điều trị triệu chứng giảm sốt, giảm ho nếu ho quá nhiều. Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, dấu hiệu đặc trưng là trẻ ho rất nhiều, thậm chí có những bé bị ho cả đêm, ho đến chảy nước mũi, nước mắt. Nhiễm trùng hô hấp cũng có thể gây sốt nhưng thường sốt không cao và sốt cũng không phải dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Còn khi bị sốt vi rút trẻ có biểu hiện đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C, đôi khi không có triệu chứng gì khác ngoài sốt. Khi bé bị sốt cao thường rất mệt mỏi, tuy nhiên khi hạ sốt bé lại trở nên linh hoạt. Bé thường bị sổ mũi sau 2 - 3 ngày bị sốt, chảy nước mũi trong... Cách hạ sốt cho trẻ thông thường sẽ bằng paracetamol hay đắp trán, lau người với khăn nhúng nước mát. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước trong ngày, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho bé, cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, sữa, súp... Trong những trường hợp trẻ vẫn mệt li bì dù đã hạ sốt thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác cần phải đưa đến bác sĩ để khám, chẩn đoán bệnh chính xác và chỉ định dùng kháng sinh khi cần thiết. Chỉ có bác sĩ mới xác định được trường hợp nhiễm virus kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt, có xu hướng nặng thêm). Lúc này, rõ ràng dùng kháng sinh là cần thiết. Theo Afamily |