Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non tại các xã miền núi: Gian nan đạt chuẩn "p.3"


Không thể phủ nhận để tiến tới "đích" chuẩn đối với các trường mầm non ở khu vực miền núi, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất là một rào cản không nhỏ.


Bài 3: Cố gắng giảm sự chênh lệch giữa các quận, huyện


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành giáo dục vẫn dành mối quan tâm đặc biệt cho các trường khu vực miền núi, cố gắng để giảm sự chênh lệch về giáo dục giữa các quận, huyện.


Thưa bà, kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia được thực hiện từ lâu. Vậy bao giờ đích "chuẩn" mới về tới các trường mầm non miền núi?
- Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia đã thực hiện từ lâu, tuy nhiên, năm 2010 là năm TP có điểm nhấn về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cụ thể là TP đã có kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp cho 14 huyện khó khăn nhất khi mới hợp nhất. Với kinh phí đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, 6.000 phòng học tạm, xuống cấp đã được xóa bỏ. Do đó, đến năm 2010 - 2011, số trường chuẩn quốc gia của TP đã tăng lên đáng kể. Với quyết tâm của TP, các quận huyện cũng đã thực hiện được kế hoạch chung về xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó, đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa mới hợp nhất và những vùng có đồng bào dân tộc. Chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ kéo dài đến năm 2015 với chỉ tiêu cần đạt được mà Đại hội Đảng bộ TP đề ra là số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP chiếm khoảng 50 - 55%.


Trường mầm non thôn Hương, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đỗ Chí

 

Hiện ở những xã thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũ, chưa xây dựng được trường đạt chuẩn. Ngành giáo dục Hà Nội có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho các trường, thưa bà?
- Đối với những xã khó khăn, đặc biệt là những xã miền núi, TP đã có văn bản về việc ưu tiên chính sách đặc thù. Năm 2013, TP ra quyết định cho xây dựng một loạt trường mầm non, tiểu học trên địa bàn khu vực miền núi. Ngoài ra, TP có chủ trương và đã chỉ đạo quyết liệt từ nhiều năm nay về việc gom các điểm trường lẻ và tách những trường lớn ra để dễ quản lý theo đúng điều lệ của trường mầm non. Chính vì vậy, 3 năm qua, Hà Nội đã xóa 629 điểm lẻ, thành lập nhiều trường mầm non mới và mầm non trung tâm, thuận tiện cho việc đưa đón các cháu. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng có văn bản báo cáo TP để có cơ chế đặc thù cho những vùng khó khăn, nơi mà tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đang còn thấp.

 

Dù không phải đóng học phí, nhưng phụ huynh vẫn phải nộp một số khoản phí như tiền học bán trú, tiền ăn... Nên chăng ngành giáo dục TP tiếp tục có chế độ đặc thù cho trẻ em thuộc xã nghèo miền núi để các bé có điều kiện tới trường?
- TP đã có chính sách đặc thù, hỗ trợ rất lớn cho các xã miền núi. Ngoài việc không phải đóng học phí, các cháu còn được hỗ trợ tiền ăn trưa. Như vậy, dù chưa bao cấp được 100%, song với sự quan tâm đặc biệt, các xã miền núi đã được hưởng rất nhiều chế độ, chính sách của TP. Tới đây, khi có kinh phí, TP sẽ tiếp tục có những cơ chế đặc thù cho các trường miền núi phát triển ngang tầm với trường học miền xuôi.


Thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội có kế hoạch gì để góp phần vào việc "chuẩn hóa" hệ thống giáo dục mầm non của toàn TP?
- Hà Nội đã có chương trình bồi dưỡng giáo viên với quy mô lớn tại khắp các quận huyện. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục có kiến nghị, đề xuất với TP xem xét, hỗ trợ thêm chính sách đặc thù cho các xã miền núi; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cho 5 huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp. Có thể nói, những năm qua, TP đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các xã miền núi. 13 xã đã nhận được sự hỗ trợ thay vì 9 xã như thông thường. Với sự đầu tư, chỉ đạo quyết liệt của TP, trong một vài năm tới, các trường miền núi sẽ không khác các trường miền xuôi, sự chênh lệch giáo dục giữa các quận, huyện sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ là một trong những điều kiện để trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, bản thân các trường cần phải nỗ lực nhất là trong việc nâng cao trình độ giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học.


Xin cảm ơn bà!


Theo KTĐT