Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống bữa đói bữa no, nhưng nhờ Hội PN mà dì Huỳnh Thị Danh (ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã tìm được cách thoát cảnh cơ hàn.
Cái thời chạy gạo từng bữa luôn khiến dì Danh ám ảnh mỗi khi nhớ lại. Lập gia đình sớm, chưa 30 tuổi, dì đã có năm mặt con. Ruộng đất không có, vốn liếng ít, cuộc mưu sinh của gia đình dì gặp nhiều khó khăn. "Cả nhà bảy miệng ăn chỉ trông nhờ vào sạp bán trái cây ngoài chợ, tất bật để con cái không đói bữa nào là mừng rồi"- dì nhớ lại.
Thời đó, các chính sách cho vay vốn của ngân hàng và Hội PN chưa có nhiều, dì phải bấm bụng vay bên ngoài, lãi chồng lãi nên buôn bán mãi vẫn cứ nợ nần chồng chất. Năm 1998, khi các chương trình vay vốn dành cho Hội viên PN được triển khai, dì được đề xuất vay 7.000.000đ. Có vốn "châm" hàng liên tục nên việc buôn bán không bị gián đoạn như trước... Sau vòng vay đầu, nhờ hoàn trả đúng hạn, dì được Hội tin tưởng cho vay tiếp. Cứ thế, dù chưa dư dả nhưng bữa cơm gia đình có thêm dinh dưỡng.
Đời sống gia đình dì Huỳnh Thị Danh khá lên nhờ trường giữ trẻ
Dì có một người con gái học ngành sư phạm mầm non, ra trường đi dạy nhiều năm qua. Dì kể: "Nó là đứa duy nhất học hành tử tế. Cũng nhờ các chị trong Hội khuyến khích cháu học. Các chị ấy hướng dẫn, học ngành này không đóng học phí, dễ xin việc". Nghe con gái bàn việc mở trường nuôi dạy trẻ, dì thao thức suy nghĩ. Cuối cùng, dì quyết định thế chấp ngôi nhà, vay thêm 20.000.000đ từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nhà Bè; 30.000.000đ từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm của Hội PN, cộng với số tiền tích góp từ nhiều năm qua để thực hiện việc mà dì nói vui là... một canh bạc.
Để đỡ đần thêm cho con trong việc quản lý trường, dì chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực mầm non. Mới đây, dì Danh được Hội tạo điều kiện tham gia các lớp chuyên đề về kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ; các khóa học về sức khỏe, dinh dưỡng; phòng chống bệnh; an toàn thực phẩm... Hiện tại, ngôi trường của mẹ con dì Danh đã trở thành nơi tin cậy của nhiều phụ nữ có con nhỏ tại địa phương. Dì còn giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách thu học phí thấp, miễn giảm cho các trường hợp đặc biệt. Dì chia sẻ: "Thu học phí rẻ để các chị đỡ gánh nặng chi phí, vì hầu hết người dân khu vực này đều nghèo".
Dù bận rộn với việc cùng con gái tổ chức, quản lý cơ sở nuôi dạy trẻ nhưng dì vẫn tích cực tham gia công tác Hội, các phong trào tại địa phương. Là thành viên chủ chốt của nhóm PN tín dụng tiết kiệm, dì đã đề xuất cho nhiều Hội viên vay vốn, tạo việc làm cải thiện cuộc sống. Hiện dì là Chi hội trưởng Chi hội PN kiêm Tổ trưởng tổ dân phố ấp 3, thành viên Tổ tư vấn sức khỏe cộng đồng tại xã... Gia đình dì thoát nghèo bền vững, nhiều năm liền được tuyên dương "Gia đình văn hóa".
Theo PN