Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Muốn con giỏi, mẹ phải trao 5 QUYỀN này!


Hôm nọ, cô bạn tôi có hỏi tôi "Chị dạy con thế nào mà cháu nói tiếng anh giỏi thế. Con nhà em nhát lắm, gặp người lạ bảo nói vài câu chẳng bao giờ chịu nói". Tôi trả lời "Thế chị đã trao cho con niềm tin chưa?".

Thật vậy, nhiều chị em hỏi tôi làm thế nào để dạy dỗ được một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời mẹ nhưng vẫn rất tự tin và tự chủ. Thực ra, bí quyết để có những đứa con ngoan không khó, quan trọng là người mẹ có sẵn sàng dạy con hay không. Đối với tôi, muốn dạy được con, mẹ cần để bé cảm nhận được những "quyền" này

1. Trao cho con: Niềm tin

Trẻ con đặc biệt thích nhận được sự tin tưởng của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Chình vì vậy, đừng ngại ngần nói cho con biết rằng mẹ tin vào con. Nếu trẻ muốn tìm hiểu để học nấu nướng, mẹ nên nói với con những câu đáng tin cậy như "Sao! Con thích học nấu ăn à? Nếu con học nghiêm túc thì mẹ sẽ dạy con và chắc chắn là con làm được". Câu nói như vậy khiến cho một đứa bé trai 5 tuổi chưa vào bếp bao giờ cũng cảm thấy tự tin và biết rằng thành công, mong muốn của con được mẹ tôn trọng.

Trở lại với câu hỏi về chuyện dám nói tiếng anh trước mặt người lạ như của cô bạn tôi có hỏi. Lý do đứa trẻ không dám nói, đó là vì mẹ chưa trao cho nó niềm tin. Chúng ta thường cố ý nói mỉa nhằm tạo ra sự khích lệ cho con, ví dụ như "Con nhìn em bé hơn con mà đã nói tiếng anh như gió rồi kia kìa". Tuy nhiên, cách nói này gây tổn hại sự tự tin của trẻ và chưa bao giờ là một cách khuyến khích con có hiệu quả.

Mẹ đừng quên trao cho con niềm tin (ảnh minh họa)

2. Trao cho con: Tôn trọng

Từ 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu biết tự nhận thức, càng lớn, khả năng nhận thức về bản thân sẽ càng mạnh mẽ hơn. Mỗi đứa trẻ đều có tâm trí riêng của mình, hiểu được khả năng và nhược điểm của bản thân. Khi trẻ đưa ra những quan điểm khác nhau, người mẹ cần phải trao cho con sự tôn trọng. Nếu con nói với mẹ, "mẹ ơi canh nóng quá". Người mẹ cần phải kiểm tra. Không được gạt đi và bảo "Nóng đâu mà nóng". Tương tự, nếu con nói với tôi "Mẹ ơi con no rồi", tôi sẽ ngừng và sẵn sàng chấp nhận, tôn trọng dạ dày của trẻ.

3. Trao cho con: Bình đẳng

Nếu cho con làm gì hoặc làm gì có liên quan đến con, mẹ hãy nói với trẻ và sẵn sàng để con tham gia thảo luận, để bé hiểu bé được bình đẳng với mẹ và mẹ tôn trọng bé. Ví dụ như khi muốn con dọn dẹp đồ chơi, tôi thường nói "Đồ chơi của con bừa quá nhỉ. Bây giờ con dọn dẹp nó hay để ăn cơm trưa xong thì dọn? Con tự nghĩ xem xếp đồ ở đâu thì hợp lý nhé". Như vậy, mẹ vừa có thể yêu cầu con dọn dẹp đồ chơi, vừa cho con thấy được đây là "quyền" của mình và mình được mẹ hỏi ý kiến đàng hoàng.

Đừng nên sử dụng giọng ra lệnh, nếu không trẻ sẽ cảm thấy bất bình, thậm chí nếu có làm theo mẹ cũng rất miễn cưỡng và không thoải mái.

4. Trao cho con: Sự đánh giá cao

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Những lợi thế của con nếu được mẹ đánh giá cao sẽ khiến trẻ sẵn sàng và hào hứng hơn trong việc phát huy nó. Con vẽ một bức tranh, có thể không hẳn là đẹp nhưng sự nhiệt tình và nỗ lực của con mới là lợi thế lớn nhất bé có. Khi trẻ khoe tranh với mẹ, đừng khen con một cách đối phó, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra và mất đi sự nhiệt tình của mình. Mẹ cần đảm bảo đánh giá cao nhưng đúng những gì thuộc về ưu điểm của con.

5. Trao cho con: Khích lệ

Trẻ em không thể và không phải là người có lỗi. Khi một đứa trẻ làm điều gì đó sai, việc đầu tiên của mẹ không phải là chỉ trích hay đổ lỗi cho con mà nên giúp trẻ xem bé có thể học được kinh nghiệm gì, tích lũy được gì từ lỗi lầm đấy và khuyến khích con nên thử lại một lần nữa. Nếu trẻ lần đầu dọn bát ăn cơm cho cả nhà mà vô tình lãm vỡ bát, tôi không bao giờ đổ lỗi cho con. Nó sẽ khiến con ngại thử những việc mới, mất đi sự tự tin và lòng can đảm. Cái tôi làm lúc đó, là khuyến khích con hãy thử dọn lại vào hôm sau.

Theo Khám phá