Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện mẹ Nhật dạy con nấu ăn từ 4 tuổi


Ở Nhật Bản, khái niệm Giáo dục nhà bếp - một cụm từ theo định nghĩa là việc dạy dỗ con cái nên được thực hiện trong nhà bếp, đã trở nên vô cùng quen thuộc.

Các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản tin rằng dạy con làm bếp không chỉ đơn giản là vấn đề kỹ năng, nó còn là cách mẹ Nhật giúp con hình thành thái độ lạc quan với cuộc sống. Vì vậy, xã hội Nhật đang rất quan tâm đến vấn đề Giáo dục nhà bếp này.

Các trường mẫu giáo ở Nhật cũng thành lập rất nhiều lớp dạy nấu ăn. Giáo viên sẽ hướng dẫn các bé cách thái cà rốt, nướng bánh, trộn salad rong biển, salad dưa chuột, nắm cơm nắm, cuộn sushi....những món ăn đơn giản không cần đến việc dùng bếp lửa. Những món ăn này cuối ngày sẽ được cô giáo cho phép các bé mang về để chia sẻ với cha mẹ. Đối với trẻ Nhật, nấu ăn luôn là một hoạt động rất thú vị.

Trẻ mẫu giáo Nhật cũng đã được học cách làm các món ăn đơn giản (ảnh minh họa)

Tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ Nhật dạy con trong bếp: Cô con gái 4 tuổi cầm dao theo sự hướng dẫn của mẹ, học cách làm thế nào để đập trứng mà không làm vỡ lòng đỏ, làm thế nào để lấy xà phòng rửa bát, làm thế nào để rửa rau, hoa quả, vo gạo....Người mẹ khi nấu ăn luôn cho con vào bếp xem mẹ nấu nướng, trình tự thực hiện món ăn và khâu chuẩn bị cũng như dọn dẹp. Chính vì vậy, cô bé tỏ ra rất quen thuộc với cách làm bếp và trở thành trợ thủ phụ bếp đắc lực. Trẻ 4 tuổi cũng được mặc tạp dề của riêng mình, có một bộ dao thớt và nồi chuyên dụng cho trẻ em và tự tin phối hợp rất nhịp nhàng với mẹ.

Hana, bà mẹ Nhật Bản trong câu chuyện nói với tôi "Lúc đầu, tôi cũng lo lắng con sẽ bị thương vì dầu mỡ hay dao kéo trong bếp. Nhưng sau đó tôi nhận ra, miễn là tôi để mắt đến con cẩn thận thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Ngược lại, trẻ nhỏ sẽ rất vui sướng và hạnh phúc với những bài học mới của mình".

Tôi biết ngày nay, nhiều mẹ Việt đặt câu hỏi "Dạy con tự lập là đúng. Nhưng có cần thiết phải cho con vào bếp, đụng dao, lửa và dầu mỡ từ khi mới 4 tuổi không?". Tôi tin rằng câu trả lời là có. Chúng ta cần phải dạy con cái cách tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ không thể theo con suốt cuộc đời, do đó, trang bị cho con những kỹ năng trước hết có thể thỏa mãn cái bụng và nuôi sống cơ thể mình là điều cần thiết. Thêm vào đó, cho con vào bếp còn là một cách trao cho con lòng tin, khuyến khích sự tự tin của trẻ và tăng cường sự tương tác, giao lưu, tình cảm mẹ con.

Dành cho những bà mẹ đã bị thuyết phục bởi ý tưởng cho trẻ vào bếp từ 4 tuổi, tôi xin mách 3 quy tắc của Hana, một bà mẹ Nhật thông thái đã truyền cho tôi:

1. Luôn chú ý đến an toàn đầu tiên

Trước khi quyết định cho trẻ học nấu ăn, mẹ và bé cần phải có một "cam kết". Chẳng hạn như: rửa tay trước khi nấu ăn hay không được chạy loanh quanh trong bếp. Thêm vào đó, để tránh những tai nạn liên quan đến dao, mẹ cần chuẩn bị riêng những loại dao làm bếp an toàn với trẻ và chỉ cho con cầm dao khi bé đã thực sự thành thạo và làm chủ được đôi tay.

2. Hãy bắt đầu ở khu vực bàn ăn trước

Dạy con nấu ăn không phải là chuyện một sớm một chiều. Không thể cho bé "đứng bếp" ngay lập tức. Hãy bắt đầu với khu vực bàn ăn và cho bé chế biến những vật liệu thô trước như như rau, vo gạo hay đánh trứng, cuộn cơm....Mẹ cũng nên lưu ý may cho con một chiếc tạp dề nhỏ và một cái ghế con để tăng chiều cao cho bé đỡ phải với tay khi lấy những dụng cụ trong bếp

3. Nấu món ăn từ dễ đến khó

Những món ăn đơn giản và thích hợp nhất cho trẻ tập nấu là trộn salad, nộm và các món ăn tương tự. Dạy cắt gọt cũng nên bắt đầu từ những vật liệu mềm trước như đậu phụ hay dưa chuột. Sau đó, khi trẻ đã thành thạo cách sử dụng bếp lửa, mẹ mới nên cho con học những món chiên, xào hay rán.

 

Theo chia sẻ của độc giả

Khám phá