Sau đợt tăng giá một số loại sữa trong năm 2013, đầu năm 2014, một loạt doanh nghiệp (DN) lại điều chỉnh giá bán. Trong đó, Vinamilk tăng từ 5 - 7%, Abbott tăng 5%, Nestlé tăng từ 5 - 9%, FrieslandCampina tăng 7%, Mead Johson tăng 5 - 7%, một số sản phẩm của Nutifood tăng 7 - 10%... Đáng lưu ý là trong số những DN trên, Nestlé và Abbott chưa được Bộ Tài chính đồng ý tăng giá bán và phải giải trình thêm về lý do tăng giá.
Sữa tăng giá luôn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng
Các DN cho rằng, không thể không tăng giá bán vì giá nguyên liệu tăng mạnh. Đại diện Công ty Vinamilk cho biết, đến tháng 2, giá nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm 39 - 57% so với cùng kỳ năm trước.
Đã vậy, các nhà cung cấp nguyên liệu sữa thế giới chỉ ký hợp đồng cung cấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, TH True Milk dù không bị ảnh hưởng bởi giá sữa nguyên liệu cũng tăng giá 10%. Lý do mà DN này đưa ra là "hai năm nay không tăng giá, trong khi tình hình lạm phát cao, chi phí đầu vào tăng buộc DN không thể cầm cự thêm".
Đó là giá kê khai từ đầu nguồn (các DN sản xuất và nhà nhập khẩu) còn trên thực tế, giá nhiều loại sữa đã bị đẩy lên rất cao bởi các nhà phân phối. Bởi giá DN đăng ký với Bộ Tài chính chỉ là giá bán buôn đến nhà phân phối còn giá bán lẻ đến người tiêu dùng là do nhà phân phối quyết định. Vì thế đã có tình trạng nhà sản xuất tăng ít nhưng giá đến tay người tiêu dùng thì cao chót vót.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá sữa thường có xu hướng tăng vào đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Thế nhưng, trên thực tế, trong khi giá sữa trên thế giới có tăng, có giảm thì giá sữa ở Việt chỉ có tăng theo kiểu "năm sau cao hơn năm trước".
Và trong vòng 7 năm trở lại đây, giá sữa Việt Nam đã 30 lần xin tăng giá, trở thành nước sữa có mức giá cao nhất thế giới. Hiện nay, giá sữa ở châu Âu và châu Mỹ ở mức bình quân từ 0,5 - 0,9 USD/lít, ở Trung Quốc là 1,1 USD/lít thì tại Việt Nam đã lên đến 1,4 USD/lít.
Các chuyên gia cho rằng, thực chất của việc tăng giá sữa thời gian qua là do DN muốn đẩy nhanh việc tăng lợi nhuận. Chẳng hạn như trường hợp của một công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Báo cáo tài chính năm 2013 của công ty này cho thấy, trong tổng doanh thu 31.000 tỷ đồng, giá vốn bán hàng chỉ hơn 19.765 tỷ đồng (chiếm 64% doanh thu) nhưng lãi gộp đã đạt hơn 11.182 tỷ đồng (chiếm 36% doanh thu).
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, với tốc độ tăng trưởng 20 - 25% (năm 2010 doanh thu của DN này đạt 16.000 tỷ đồng, năm 2011 là 22.000 tỷ đồng, năm 2013 là 31.000 tỷ đồng) cộng với yếu tố tăng giá, dự kiến doanh thu năm 2014 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp là 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 9.000 tỷ đồng.
Do đó, việc tăng giá tác động trực tiếp lên tổng doanh thu chứ không ảnh hưởng nhiều đến giá vốn nên biên độ lợi nhuận gộp sẽ tăng. Và như vậy, việc tăng giá bán từ 5 - 7% cũng đồng nghĩa với doanh số của công ty sẽ tăng và biên độ lãi gộp tăng tương ứng.
Quản lý cách nào?
Trước tình hình giá sữa đồng loạt tăng, đã có nghi ngờ cho rằng các DN bắt tay làm giá. Chính vì vậy, đầu tháng 3, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra giá sữa tại 5 DN gồm: Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (đơn vị phân phối sữa Abbott), Công ty Mead Johnson Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Nestlé Việt Nam và Công ty FrieslandCampina Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, sau khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện những DN nào vi phạm về Luật Cạnh tranh và quy định về giá sẽ xử lý theo pháp luật. Ngoài phạt hành chính, Bộ Tài chính sẽ đồng thời áp dụng một trong 7 biện pháp theo quy định của Luật Giá, trong đó, có thể tính tới biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng này.
Chưa biết kết quả thanh tra sẽ như thế nào và việc áp quản lý giá sữa sẽ ra sao nhưng các chuyên gia cho rằng, việc quản lý giá sữa thời gian qua không hiệu quả. Trách nhiệm quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, DN muốn tăng hay giảm giá đều phải qua tay cơ quan quản lý giá.
Thế nhưng, có một thực tế, thời gian qua không có chế tài nào đủ mạnh để DN sữa sợ nên vẫn cứ tăng giá dù bị cơ quan quản lý "tuýt còi". Bằng chứng là mặc dù Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chưa cho phép nhưng 11 mặt hàng của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tăng giá 5-9% từ ngày 31/1 với lý do lạm phát tăng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lâu nay, việc quản lý giá chỉ có hình thức kiểm soát là đăng ký giá. Khi DN đăng ký, cơ quan chức năng nghe giải thích có lý thì đồng ý cho tăng. Do đó, việc kiểm soát hiện chỉ đóng vai trò công cụ hợp thức hóa cho việc tăng giá của DN.
Đó là chưa kể việc phân cấp quản lý còn nhiều chống chéo. Một đại diện của Bộ Tài chính, cho biết, theo quy định tại Nghị định 177/2013 NĐ-CP, Cục Quản lý giá chỉ quản lý giá sỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của các DN lớn như Vinamilk, Nestlé, FrieslandCampina... còn giá bán sỉ của các DN khác thuộc quyền quản lý của Sở Tài chính địa phương.
Bộ chỉ quản lý giá sỉ còn giá bán lẻ mặt hàng này tại các cửa hàng, đại lý được phân cấp cho các quận - huyện nơi các cửa hàng, đại lý hoạt động. Nhưng để thực hiện được việc này cần phải có lực lượng đủ mạnh tại địa phương.
Tuy phải chờ kết quả thanh tra các DN sữa để điều chỉnh biện pháp quản lý thích hợp nhưng các cơ quan chức năng cũng đang tính đến việc đẩy mạnh hơn nữa phương án "các quận - huyện quản lý giá sữa bán lẻ". Theo đó, các nhà bán lẻ phải kê khai giá bán với địa phương và nếu giá bán lẻ cao hơn giá DN kê khai thì đơn vị bán lẻ phải giải trình lý do tăng giá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là khó khả thi vì thị trường sữa có hàng trăm chuẩn loại của hơn 50 công ty với kênh phân phối nhiều tầng nấc trung gian (riêng ở mỗi quận có đến vài chục điểm kinh doanh) nên các quận - huyện sẽ không có người để làm việc này. Vì thế, việc giám sát giá sữa càng khó.
Giá sữa Việt Nam cao hơn châu Âu, châu Mỹ và cả Trung Quốc
Giá sữa quá cao khiến số lượng trẻ em Việt Nam không được sử dụng sữa hằng ngày khá lớn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam cao. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Năm 2010, Việt Nam có 1,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 2,1 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đến năm 2013, tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn còn 1,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và 2 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng dạng thấp còi.
Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn.