Từ sau 1 tuổi, trẻ sẽ có xu hướng thích khám phá thế giới bên ngoài và thường trở nên lười ăn.
Mặc dù không ít lần mẹ đã phải trổ đủ "ngón nghề" từ dụ dỗ, đến thúc ép, dọa dẫm, bày nhiều trò để bé chịu ăn, song tình hình cũng không được cải thiện là bao. Dẫu biết rằng biếng ăn chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ, nhưng nỗi lo bé bị thiếu chất, không tăng cân đã trở thành nguyên nhân của những căng thẳng quanh giờ ăn trong gia đình.
Tăng cân = đủ chất?
"Làm sao để con tăng cân?" có lẽ là trăn trở của hầu hết cha mẹ khi con mình có dấu hiệu biếng ăn. Bởi đối với họ, cân nặng là thước đo thể hiện quá trình phát triển của trẻ. Trước nay, trẻ bụ bẫm, tròn trĩnh thường được xem là phát triển tốt. Do đó để con bắt kịp cân nặng với bạn cùng tuổi, mẹ gắng tìm mọi cách để bé chịu ăn. Có nhà mở quảng cáo, phim hoạt hình cho bé xem để dụ bé ăn, nhưng rồi bé cũng... chán. Hoặc thậm chí có mẹ chịu khó dắt bé đi lòng vòng khắp xóm, nhưng rốt cuộc bé vẫn ngậm mãi thức ăn không chịu nhai nuốt, bữa ăn vì thế có khi kéo dài hàng giờ mà bé chỉ ăn được vài muỗng.
Biếng ăn khá phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 6
Ép con ăn không xong, mẹ chuyển sang cho con ăn thoải mái những món bé thích như bánh mì không, mì gói, cơm chan nước tương/nước mắm, bánh kẹo... trong khi biết chắc các món đó không đủ dưỡng chất cần thiết. Mẹ tặc lưỡi: "Thà làm vậy còn hơn để bé nhịn đói cả ngày!"
Thực ra, việc nhồi nhét cho đủ lượng trong bữa ăn hàng ngày hoặc chỉ cho bé ăn độc một số món (giàu đường bột) có thể giúp bé nhà bạn tăng cân trong thời gian ngắn, nhưng sẽ không bảo đảm việc bé có đủ dưỡng chất thiết yếu cho tăng trưởng và phát triển toàn diện. Khoa học dinh dưỡng đã chứng thực: Quá trình biến đổi năng lượng từ thực phẩm vào cơ thể của bé rất cần sự hỗ trợ của các vitamin và khoáng chất thiết yếu để năng lượng được chuyển hóa tốt, phục vụ cho các hoạt động của cơ thể. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất sẽ khiến năng lượng đó trở nên lãng phí, tích thành mỡ, khiến bé có thể bị béo phì về sau. Mặt khác, về tâm lý khi bé bị ép ăn thường xuyên sẽ càng chán ghét thức ăn hơn.
Sơ đồ chuyển hóa năng lượng từ thực phẩm vào cơ thể
Ăn vui + khoa học = phát triển tốt
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: biếng ăn thực ra không quá đáng lo ngại, vì đó chỉ là một biểu hiện tâm lí phổ biến trong giai đoạn phát triển của trẻ, đặc biệt khi bé bắt đầu tập đi. Do đó, mẹ hãy có cách nhìn mới, tích cực hơn về vấn đề biếng ăn của con và chuyển sang chăm bé biếng ăn đúng cách bằng việc tập cho con ăn vui và khoa học. Đặc biệt, mẹ nên lưu ý đảm bảo cho bữa ăn của bé có đầy đủ và cân bằng tỉ lệ các chất thiết yếu: đạm - đường - béo cũng như các loại vitamin và khoáng chất để bé phát triển khỏe mạnh thực sự chứ không chỉ đơn thuần là tăng cân.
Cụ thể, mẹ hãy khơi gợi niềm yêu thích ăn uống cho con bằng việc biến mỗi bữa ăn thành hành trình khám phá thế giới thực phẩm thú vị. Cho bé chạm, ngửi, nếm thử thức ăn, đồng thời đặt ra những câu hỏi, câu chuyện hấp dẫn về các món ăn. Chẳng hạn, mẹ kể cho bé nghe món rau này đã được bác nông dân trồng ra sao, chăm bón thế nào để trở thành món ăn ngon lành bổ dưỡng cho con hôm nay. Mẹ còn có thể thử trang trí thức ăn thành những hình dạng sinh động, ngộ nghĩnh cũng giúp bé thích thú hơn khi ăn.
Bày trí thức ăn bắt mắt cũng giúp bé hào hứng hơn khi tới giờ ăn
Tuy nhiên, trong thời gian đầu tập làm quen với thức ăn mới, bé sẽ vẫn có xu hướng từ chối các món lạ hoặc khó mà ăn hết chừng ấy lượng thức ăn trong mỗi bữa. Để cân bằng, mẹ hãy chọn những thức ăn có cùng hàm lượng dinh dưỡng để thay thế: cho bé ăn nấm thay cho bông cải; bánh mì, nui thay cho cơm... Bên cạnh đó, mẹ có thể cân nhắc cho bé uống thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Hãy ưu tiên chọn sản phẩm có bổ sung nhiều vi chất, hỗ trợ chuyển hóa hiệu quả năng lượng trẻ lấy được từ thức ăn thành dạng có lợi thay vì tích trữ thành mỡ.
"Thiết kế" một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng dưỡng chất trong mỗi bữa ăn cùng những tuyệt chiêu tâm lý hiệu quả chính là bí quyết giúp mẹ yên tâm chăm sóc con mình tốt hơn.
Theo Afamily