Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đổi mới và “sứ mệnh” công khai, minh bạch


Có lẽ đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần cho toàn dân được biết dự thảo chương trình (CT), Sách giáo khoa (SGK) mới triển khai từ 2016 - 2017 bắt đầu ở lớp 1, 6 và 10 trên toàn quốc hay chỉ những nơi đủ điều kiện? Bộ xây dựng một CT, còn các bộ SGK phổ thông sẽ do tổ chức, cá nhân biên soạn ra sao?


Học sinh sẽ có nhiều bộ SGK sau 2015


Đây thực chất là việc cụ thể hóa dự thảo Đề án "Ðổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015", việc cần làm ngay để lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội, bởi chỉ còn 2 năm nữa, SGK mới đã được áp dụng.


Khá nhiều lo ngại bày tỏ tại hội nghị tham vấn chuyên gia mới đây góp ý dự thảo này, trước sự thiếu nhất quán trong định hướng đổi mới, chưa rành mạch về giải pháp, kinh phí xây dựng CT, biên soạn SGK phổ thông.


Công khai nhiều bộ SGK
Một CT nhiều bộ SGK là quan điểm không mới ở nước ngoài nhưng mới với VN khi hàng chục năm qua, đội ngũ quản lý và giáo viên vẫn quen coi CT và SGK đều là "pháp lệnh".


Nhìn lại bộ CT, SGK hiện hành được Bộ đánh giá là "lần đầu tiên trong lịch sử, bộ CT được xây dựng theo xu hướng quốc tế", "đã chú ý giáo dục toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, các kĩ năng cơ bản và hướng nghiệp", biên soạn theo quy trình "được quy định khá đầy đủ, rõ ràng, hợp lý", sẽ giật mình khi chỉ sau hoàn thiện hơn 6 năm đã phải sửa đổi toàn diện, biên soạn lại theo một cách tiếp cận hoàn toàn khác.


Vậy những người tham gia CT, SGK hiện hành có nên tham gia làm bộ mới? Bộ GD&ĐT - tác giả của CT, SGK hiện hành có nên độc quyền làm SGK đổi mới căn bản toàn diện này?


GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn: Đề án không thể xây dựng trên cơ sở giả thiết chỉ có một bộ SGK như từ trước đến nay. Nếu có nhiều bộ SGK như yêu cầu của xã hội thì ngoài SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, những bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sẽ trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào? Bộ nên làm rõ.


GS.TS Hoàng Văn Vân (ĐHQGHN) đồng ý với quan điểm nhiều bộ SGK nêu trong Đề án và có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta tính tuyên bố chính thức chủ trương này. GS Vân đề nghị Nhà nước chính thức hóa chủ trương một CT, nhiều bộ SGK công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân, các cơ quan và những ai quan tâm biết.


PGS.TS Lương Ngọc Toản băn khoăn: "Ta chưa tìm được Tổng chủ biên đủ tầm để quán xuyến xuyên suốt toàn bộ CT và SGK của cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT"... Cũng cần lưu ý xác định rõ nhiều bộ SGK thì các NXB nước ngoài có được phép xuất bản SGK ở VN không? Nếu "được", cần có cơ sở pháp lý chính thức hóa cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước biên soạn.


Đổi mới kiểu nào cần nhất quán?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhìn nhận: Nếu một CT không có điều kiện tối thiểu để đảm bảo thì chắc chắn không thể thành công, không khả thi. Ông cho rằng: Điểm mới mạnh dạn của dự thảo Đề án là nơi nào đủ điều kiện thì triển khai đổi mới CT, SGK, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục phấn đấu. Nghĩa là chỉ áp dụng ở những trường đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục.


Trong khi đó, các chuyên gia không tán thành đổi mới kiểu xôi đỗ vậy. Hiện giáo dục tiểu học có 50% học 2 buổi/ngày, THCS khoảng 4 - 5% HS học 2 buổi/ngày. Chính lãnh đạo Bộ cho biết: Trong đổi mới, sẽ phấn đấu xây dựng CT để giáo dục tiểu học học cả ngày, nhưng vẫn có cách để xử lý cho những nơi chưa đảm bảo học cả ngày. Với giáo dục THCS, THPT xây dựng CT học nửa ngày, nhưng có hướng dẫn cách xử lý với những nơi nào có điều kiện học cả ngày. Có nghĩa CT xây dựng thống nhất cho toàn quốc, nhưng có phần cho địa phương chủ động nội dung, đặc biệt về quản lý để ứng dụng SGK vào từng địa phương, từng nhà trường, "đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn VN". Bộ cho biết: Đang thí điểm cho từng nhà trường thực hiện CT của mình trên cơ sở CT của Bộ và thấy các nhà trường làm rất tốt.


Vậy tại sao Bộ lại coi đổi mới kiểu xôi đỗ là điểm mới mạnh dạn? Nếu định hướng theo cách này, "không biết có bao nhiêu địa phương, cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới" - GS Nguyễn Minh Thuyết ngạc nhiên.


GS Đào Trọng Thi bày tỏ: Không thể định hướng nơi nào đủ điều kiện thì mới đổi mới. Nếu nơi học CT mới, nơi học CT cũ thì còn gì là thống nhất nữa? "Cần xây dựng một lộ trình hợp lý mà phần cứng phải thực hiện đồng loạt, phần mềm để nơi nào có điều kiện thì đi trước, nơi nào cần chuẩn bị thêm điều kiện thì chậm hơn".


Minh bạch nguồn tài chính

Trong dự thảo Đề án gần 3 năm trước Bộ lấy ý kiến Liên hiệp Hội KH&KT VN, tổng kinh phí thực hiện dự kiến 70 nghìn tỷ đồng, phần lớn dành cho xây dựng cơ sở vật chất khoảng 35.000 tỷ đồng. Mua sắm đồ dùng thiết bị dạy học khoảng 30.050 tỷ đồng. Hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đề án là xây dựng CT và biên soạn SGK dự kiến được phân bổ 962 tỷ đồng (bao gồm cả CT, SGK giáo dục thường xuyên). Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý 397 tỷ đồng. Triển khai thí điểm CT, SGK là 3.591 tỷ đồng.


Hiện dự thảo mới chưa đề cập cụ thể kinh phí thực hiện, không rõ sẽ "đội giá" cũ hay đang điều chỉnh giảm cho hợp lý.


Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, bảo đảm giám sát chặt chẽ việc sử dụng kinh phí; thực hiện công khai, minh bạch để xã hội và người học giám sát, đánh giá.


Vấn đề tài chính cho Đề án dù dự thảo, Bộ cũng cần minh bạch để xã hội biết, MTTQVN và các đoàn thể thực hiện vai trò của đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện.


Theo Báo Đại Đoàn Kết