Chàm, hen phế quản hay viêm mũi dị ứng là 2 bệnh ở bé dễ gặp khi thời tiết ẩm, nồm.
1. Chàm
Chàm thường có ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra thân mình - tứ chi... ở bé. Ban đầu, chàm có dạng hồng ban; sau đó có mụn nước (đỏ, nứt da, rịn nước), đóng mày và tróc vảy.
Chàm thường biến mất sau 2-4 tuổi. Nếu quá 4 tuổi mà bé vẫn bị chàm thì từ chàm sữa tiến triển thành chàm thể tạng. Để phòng bệnh chàm cho con khi thời tiết nồm sang xuân, các chuyên gia khuyên nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Theo một số nghiên cứu, bé bú mẹ ít bị chàm và bệnh dị ứng hơn bé bú bình.
Những gợi ý khác giúp mẹ tránh bệnh chàm cho bé mùa xuân:
Có một số bằng chứng cho thấy, các chế phẩm sinh học (như sữa chua, vitamin bổ sung) dùng trong thời kỳ mang thai làm giảm phát triển chàm ở bé.
- Đồng thời cũng chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy, tránh một số loại thức ăn nhất định (trong thai kỳ hoặc thời gian nuôi con bằng sữa mẹ) có tác dụng phòng tránh chàm. Nhưng bạn nên hỏi bác sĩ nếu trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, bạn ăn một số loại đồ ăn và chúng gây ra phản ứng cho bé. Không nên thay đổi chế độ ăn uống của bạn, trừ khi có lời khuyên từ bác sĩ.
Một số bé bị chàm eczema có thể do dị ứng với sữa bò. Nhưng nếu muốn loại bỏ sữa bò (hoặc sữa công thức có gốc sữa bò) từ chế độ dinh dưỡng của bé thì bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước đã. Nếu con bạn dị ứng sữa gốc sữa bò, bác sĩ có thể tư vấn để đổi sang sữa công thức gốc đậu nành hoặc sữa công thức gốc sữa dê.
- Một số bác sĩ tin rằng, các con bọ ve và bụi bẩn trong nhà có thể khiến một số bé mắc chàm. Bạn nên lau chùi nhà cửa bằng cách dùng giẻ ẩm, chứ không phải giẻ khô để lau bụi. Nên hút bụi đệm cho bé mỗi tuần một lần. Nên giặt ga trải giường bằng nước nóng.
- Nên cho bé sơ sinh dùng quần áo bằng chất cotton, hạn chế trang phục bằng len hay sợi tổng hợp.
- Không để bé bị nóng quá. Vì thế, giữ cho quần áo và giường ngủ của bé được thoáng và có nhiều lớp, giúp bạn có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ cho bé khi cần.
- Cắt móng tay cho bé để ngăn ngừa kích thích da, giúp da không bị trầy xước khi bé gãi.
Điều mẹ nên tránh khi chăm sóc bé bị chàm:
- Không dùng kháng sinh liều cao tùy tiện để điều trị chàm có thể làm bé bị shock phản vệ.
- Không để bé bị mồ hôi ẩm ướt khiến chàm nặng thêm.
- Không cho bé ăn đồ ăn dị ứng (lạc, hải sản...) khiến chàm dễ tái phát.
- Không dùng các loại xà phòng tắm làm khô da bé, khiến bé bị chàm nặng thêm.
2. Hen phế quản
Vào mùa xuân, nhiệt độ ấm, ẩm khiến cơn hen phế quản ở bé càng dễ bùng phát. Để phòng bệnh cho con, mẹ cần cách ly bé khỏi những yếu tố gây hen như lông chó, mèo; khói thuốc lá, khói than củi, than tổ ong...
Mẹ không được cho bé tiếp xúc với chất xịt côn trùng; dung dịch tẩy rửa có mùi mạnh.
Những mẹo khác giúp mẹ phòng hen phế quản cho bé mùa xuân:
- Không dùng thảm trong phòng ngủ của bé.
- Mẹ cần vệ sinh, lau chùi, giặt giũ chăn đệm của bé thường xuyên.
- Không cho bé tiếp xúc với người bệnh, ốm.
- Không cho bé ở trong môi trường bụi bặm.
- Không cho bé dùng thức ăn có chất bảo quản.
- Tránh cho bé vận động quá sức.
- Tránh để bé bị xúc động mạnh.
- Giữ gìn để bé không bị ho.
- Nếu bé đã đi học, mẹ cần cho cô giáo ở lớp biết về tình trạng bệnh (nếu có) của bé.
3. Viêm mũi dị ứng ở bé
Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa thế này bé dễ bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt những bé có cơ địa mẫn cảm.
Triệu chứng: Bé ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có bé bị nghẹt mũi. Nặng hơn, bé bị khó thở, ù tai.
Biến chứng: Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.
Phòng tránh: Mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo trong nhà.
Mẹ nên giặt giũ thường xuyên chăn, ga, gối cho bé. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc.
Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá.
Dạy bé cách đánh răng ngày 2 lần là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy.
Giữ ấm cho bé khi trời lạnh và không để bé bị nóng quá lúc trời ấm lên.
Theo mevabe