Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao Bộ GD-ĐT cấm dạy ngoại ngữ ở trường mầm non?


Dù nhu cầu cho trẻ học ngoại ngữ ngay từ độ tuổi mầm non là có thực và rất lớn, thế nhưng Bộ GDĐT vẫn kiên quyết cấm. Điều này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn vì sự can thiệp quá sâu này.


Theo văn bản "chấn chỉnh" việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN) mà Bộ GDĐT ban hành mới đây đã quy định rõ: "Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các CSGDMN; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GDĐT cho phép áp dụng...".


Vì sao Bộ GD-ĐT cấm?
Lý giải về việc nghiêm cấm các CSGDMN dạy thêm tiếng Anh cho trẻ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Phan Thị Lan Anh, nhận định: "Ở độ tuổi mầm non (MN), trẻ có thể bắt chước nhanh nhưng điều kiện tại các CSGDMN thì lại chưa đảm bảo cho trẻ tiếp cận tiếng Anh như: Giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chương trình đào tạo chưa phù hợp... Chính vì vậy, Bộ thấy cần phải chấn chỉnh vì nếu điều kiện giảng dạy không phù hợp, giáo viên không đạt chuẩn, nói sai, nói ngọng sẽ khiến các bé bị ảnh hưởng lâu dài, sau này trẻ sẽ rất khó nghe, nói chính xác".


Nhiều trường mầm non đang tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ


Cũng theo bà Lan Anh: "Nhiệm vụ chính của các trường MN là giữ trẻ chứ không phải là giảng dạy ngoại ngữ. Chính vì vậy Bộ mới có động thái này để chặn tình trạng giảng dạy ngoại ngữ tràn lan mà không kiểm định được chất lượng của các CSGDMN hiện nay. Trong thời gian tới, khi có nghiên cứu thấu đáo cộng với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đảm bảo, Bộ sẽ xem xét đưa môn này vào trường MN".


Đồng tình với quan điểm này của Bộ GDĐT, lãnh đạo phụ trách bậc mầm non tại các thành phố lớn khu vực phía Nam cho hay: Việc cấm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non hiện nay cũng có nhiều ưu điểm, đó là vừa hạn chế những cơ sở không đủ điều kiện vẫn tiến hành dạy, vừa góp phần chống lạm thu. Tuy nhiên, cái khó là nhu cầu học là rất lớn nên dù có cấm ở các CSGDMN thì chắc chắn phụ huynh sẽ cho con học tại các trung tâm Anh ngữ hoặc thuê gia sư vì xu thế hiện nay của nhiều gia đình là tạo điều kiện cho các em học tiếng Anh càng sớm càng tốt.


Khó cho cả trường lẫn phụ huynh

Dù cả Bộ GDĐT và nhiều Sở GDĐT đều bảo vệ quan điểm sẽ cấm dạy ngoại ngữ bậc mầm non nhưng với nhiều trường mầm non cả công lập lẫn tư thục, thông tin này như "gáo nước lạnh" bởi các trường đã tốn không ít tiền bạc để đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên. Cô Trần Minh Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 5, P.5, Q.3, TP.HCM, cho biết: "Đầu năm trường đã ký kết hợp đồng với một trung tâm ngoại ngữ có uy tín trên địa bàn. Nếu Bộ có chỉ đạo ngừng dạy thì trường sẽ hủy hợp đồng đào tạo với đơn vị liên kết kia nhưng sẽ rất khó khăn vì trong hợp đồng không có điều khoản chấm dứt giữa chừng như thế. Hơn nữa việc bố trí các phòng học và các trang thiết bị vừa qua rất tốn kém bây giờ không dùng vào việc giảng dạy cho các em thì không biết dùng vào việc gì cho phù hợp".


Ý kiến của bà Ngọc Minh cũng là băn khoăn chung của rất nhiều CSGDMN tại TP.HCM khi được hỏi về văn bản "chấn chỉnh" này. Theo kiến nghị của nhiều CSGDMN, trong thời gian chờ đợi các văn bản yêu cầu về chuẩn tài liệu, trình độ giáo viên và cơ sở vật chất cho môn tiếng Anh ở bậc mầm non của Bộ GDĐT, Sở GDĐT TP.HCM phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết cấm giảng dạy đối với các trường không đảm bảo điều kiện. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường đã đầu tư bài bản về trang thiết bị đạt chuẩn, hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín được tiếp tục giảng dạy vì nhu cầu của phụ huynh là rất lớn.


Không chỉ có các trường băn khoăn, nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng không kém. Anh Trần Phương (Q.Tân Phú) có con gái 5 tuổi đang học tại trường mầm non Hoa Hồng, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, chia sẻ: "Từ ngày học ngoại ngữ con gái tôi trở nên năng động hơn trong giao tiếp và không còn rụt rè nhút nhát như trước, gia đình cảm thấy rất hài lòng. Mặc dù kiến thức học không được nhiều nhưng các cháu làm quen sớm với ngoại ngữ là một điều nên làm khi mà xu thế hội nhập với thế giới đang rộng mở như ngày nay".


Cũng theo anh Phương: "Thật sự thì trong trường mầm non cũng có nhiều độ tuổi khác nhau, các cháu 2, 3 tuổi thì còn sớm quá khi tiếp cận với ngoại ngữ, còn các cháu ở độ tuổi 4, 5 tuổi thì có thể làm quen với việc học này được rồi. Nếu cấm học ngoại ngữ ở độ tuổi nào là hợp lý thì Bộ nên xem xét kỹ lưỡng không nên "vơ đũa cả nắm" như thế".


Chưa có chuẩn giáo viên tiếng Anh bậc mầm non
Theo tìm hiểu của NTNN, thực tế hiện nay Bộ GDĐT mới có quy định chuẩn trình độ đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở các bậc tiểu học, THCS, THPT chứ chưa có bất kỳ quy định chuẩn trình độ nào đối với giáo viên tiếng Anh ở bậc mầm non. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các CSGDMN chẳng biết căn cứ vào đâu để "xác định chuẩn" trong việc tuyển giáo viên bậc mầm non giảng dạy ngoại ngữ tại trường mình.


Theo Dân Việt