Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé mầm non học ngoại ngữ có thật sự chất lượng?


Ngoại ngữ ở mẫu giáo là trào lưu được nhiều trường lựa chọn bởi xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh khi chọn trường cho con.


Kì 1: Ngoại ngữ trở thành chiêu trò thu hút học sinh mầm non


Khảo sát ở khu vực TP.HCM, chúng tôi đếm được khoảng 30 trường mầm non gắn mác quốc tế song ngữ như: trường mầm non quốc tế T.TN., trường mầm non tư thục quốc tế S.G, trường mẫu giáo B.A Hàn Quốc, trường mẫu giáo quốc tế N.S Sài Gòn, trường mầm non tư thục Quốc tế...


Ở tất cả các trường mầm non quốc tế, song ngữ này, ngoại ngữ được xem là thế mạnh. Tuy nhiên, điều đáng nói, bên cạnh một số trường đầu tư cơ sở vật chất khá tốt thì không ít trường lại có cơ sở khá nghèo nàn, lạc hậu. Thậm chí, dù mang danh trường quốc tế nhưng chỉ có phòng học, khoảng sân chơi rất nhỏ, thiếu các sân chơi...


Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết loạt bài này, chúng tôi đóng vai phụ huynh đi tìm trường tốt cho con mình học. Hầu hết đại diện các trường quốc tế này đều khẳng định, chất lượng dạy ở trường mình rất tốt. Bên cạnh đào tạo các bé có sức khỏe, tài năng thì đặc biệt chú ý đến trình độ ngoại ngữ. Bởi, theo những người này, ngoại ngữ hiện đang là điều cần thiết trong hiện tại lẫn tương lai và độ tuổi mẫu giáo là phù hợp nhất để bắt đầu học. Thế nhưng, khi hỏi về bằng chứng, cơ sở gì để có thể khẳng định trường mình là tốt thì họ không thể giải thích được.


Điều đáng nói hơn, hiện nay, ở TP.HCM cũng như ở một số thành phố lớn khác cố gán ghép vào tên trường hai chữ quốc tế hoặc song ngữ để có danh giá hơn. Với một ngôi trường mang tên Việt Nam thì ít phụ huynh chú ý hơn. Nhưng, chỉ cần gắn mác quốc tế, song ngữ thì nhiều người mặc nhiên đó là trường tốt. Và dường như, hiệu trưởng các trường mầm non đã nắm được tâm lý sính ngoại này của phụ huynh.


Một số hiệu trưởng cho biết, mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM ít trường dạy ngoại ngữ và không xem đây là thế mạnh. Nếu các trường công lập dạy tiếng anh hầu hết là có liên kết với các trung tâm. Riêng các trường mầm non tư thục, dân lập thì hoàn toàn ngược lại. Họ xem ngoại ngữ là điểm nhấn của trường, tạo điều kiện nâng cao danh tiếng của trường và cũng là điều để thu hút các phụ huynh đưa cho con em mình vào học. Lý do nhiều phụ huynh chọn các trường mầm non dân lập cho con mình học là bởi vì được học ngoại ngữ tốt hơn so với các trường công lập.


Nhiều trường mầm non ngoài công lập có chương trình dạy ngoại ngữ cho trẻ. Hình minh họa


Theo khảo sát, các trường mầm non công lập có học phí khá thấp, đối với những gia đình có thu nhập thấp và trung bình vẫn có thể chấp nhận được. Những trường công lập có dạy ngoại ngữ thì thu thêm học phí chừng 100.000 đến 300.000 đồng một tháng. Trong khi đó, học phí của các trường tư thục và dân lập chênh nhau khá lớn, không có mốc cụ thể. Có trường học phí tầm hơn 2 triệu, có trường lên đến cả chục triệu một tháng. Một giáo viên bật mí: "Trường dân lập, tư thục có mức học phí cao là điều bình thường. Tuy nhiên, sở dĩ nhiều trường lại có học phí cao ngất ngưỡng như thế là bởi vì phụ thu để dạy ngoại ngữ".


Trao đổi với chúng tôi, một số giáo viên dạy mầm non cho biết, trong quá trình công tác, có trò chuyện với một số giáo viên ở các trường quốc tế, song ngữ khác thì được biết, không phải trường nào cũng có đội ngũ giáo viên ngoại ngữ tốt. Một số trường tự thuê người nước ngoài theo kiểu "tây ba lô" để vào trường dạy cho các em. Khi các phụ huynh đến đón con hoặc theo dõi con em mình thì vẫn thấy có người nước ngoài dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều chắc chắn, đối với những "giáo viên" nghiệp dư như thế mà đòi hỏi chất lượng thì không thể có.


Kỳ 2: "Chất lượng dạy ngoại ngữ ở mầm non còn nhiều vấn đề"


Theo eva.vn