Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường, nhà trẻ tư thục: Loay hoay giữa quản và cấm


Sau nhiều vụ bạo hành trẻ em rất thương tâm, mãi đến gần đây vấn đề quản lý nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục mới được đặt ra một cách ráo riết.


Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn đang loay hoay giữa bài toán "quản" và "cấm", bởi số lượng nhà trẻ tư thục không phép quá lớn!


Quá nhiều nhà trẻ không phép

Theo số liệu mà Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa công bố, số nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục (kể cả có phép lẫn không phép) hiện nay ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là rất lớn và tập trung ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Vai trò của các nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục tại cả 3 địa bàn trên trong việc giữ và chăm sóc trẻ là rất lớn. Tại TP.HCM hiện các cơ sở mầm non ngoài công lập nuôi giữ 115.200 trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, chiếm 48% số trẻ học mầm non. Tương tự, tại Bình Dương, tỷ lệ trẻ phải học cơ sở ngoài công lập chiếm tới 80% và tại Đồng Nai là 47,7% trong tổng số trẻ bậc mầm non.


Những lớp mầm non đạt chuẩn như thế này là mơ ước của nhiều phụ huynh nhập cư vào TP.HCM, Đồng Nai.


Tuy nhiên, một con số thống kê mà Viện Nghiên cứu giáo dục đưa ra cho thấy, trong hệ thống các trường mầm non, nhóm trẻ ngoài tư thục, tỷ lệ 3 không (không phép, không đảm bảo cơ sở vật chất, không đảm bảo đội ngũ giáo viên) đang còn rất nhiều. Chẳng hạn, tại TP.HCM vẫn còn đến 453 nhóm lớp không phép; tại Bình Dương có 347 cơ sở không phép và tại Đồng Nai là trên 179 cơ sở chưa có phép.


Dù thực tế các cơ sở mầm non không phép vẫn tồn tại "nhan nhản" như thế, nhưng theo TS Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục thì: "Chưa thể giải tán hay đóng cửa các nhóm trẻ không phép vì hiện nay nhu cầu gửi trẻ bậc mầm non là rất lớn và ngành giáo dục của các địa phương trên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm gốc rễ của vấn đề là làm sao phải đáp ứng chỗ học cho tất cả các em trong độ tuổi".


Để minh chứng cho nhận định của mình, bà Dung đưa ra số liệu: Hiện tại, ở quận Bình Tân (TP.HCM) các trường công chỉ đáp ứng được nhu cầu của gần 20% số trẻ, quận Thủ Đức chỉ đáp ứng được 11%... Các trường công ở tỉnh Bình Dương chỉ đáp ứng được 17,77%. Số trẻ còn lại (chiếm phần lớn) phụ thuộc vào các trường, nhóm trẻ tư thục. Song đáng nói, chất lượng các nhóm trẻ cũng là một vấn đề đang gây nhức nhối. Chẳng hạn, tại quận Thủ Đức, tổng số đơn vị không phép lên tới 307 đơn vị, gồm 14 lớp và 293 điểm với 1.199 trẻ. Số giáo viên và bảo mẫu của các đơn vị này là 363, trong đó có 300 người chưa qua đào tạo.


Nhà quản lý cũng... "bó tay"
Trước quyết tâm của ngành giáo dục TP.HCM cũng như chỉ thị rà soát chặt chẽ các cơ sở mầm non không phép từ UBND TP.HCM, nhiều quận huyện cũng đang đẩy mạnh việc rà soát và có chủ trương chuyển các cháu vào các trường mầm non công lập và các nhóm trẻ có phép. Về vấn đề này, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM khẳng định: "Việc quản lý, xử lý các cơ sở mầm non ngoài công lập không phép không phải không thực hiện được, nhưng cần phải có lộ trình. Với sự ra quân quyết liệt tại TP.HCM, chỉ trong 2 tháng qua, số nhóm lớp không phép đã giảm từ 1.028 xuống còn 453, tuy nhiên không thể ngay một lúc đóng cửa tất cả các cơ sở không phép này".


Lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM thì khẳng định như thế song với nhiều cán bộ phụ trách kiểm tra rà soát các nhóm trẻ không phép trên địa bàn các quận đông trẻ nhập cư như Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức... lại nêu thực tế: "Hàng nghìn trẻ em là con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đang phải ăn học tại các nhóm mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình không phép vì "2 không" (không có hộ khẩu, không đủ tuổi được gửi trường công). Bây giờ chúng ta mà cấm quyết liệt các nhóm trẻ này là điều... không thể".


Tại tỉnh Đồng Nai, vẫn còn 179 cơ sở mầm non chưa có phép nhưng phía lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này thì cho biết quyết tâm: "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết rốt ráo bằng cách những cơ sở không đủ điều kiện cấp phép sẽ yêu cầu ngừng hoạt động và rút giấy phép". Còn tại Bình Dương, dù vẫn còn tới 347 cơ sở không phép với quy mô nuôi dạy gần 8.000 trẻ nhưng phía lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này vẫn lạc quan: "Vẫn trong tầm kiểm soát của chúng tôi".


Công nhân mỏi mòn chờ trường cho con em
TP.HCM có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 270.000 lao động (60-70% là nữ) thì số con công nhân cần nhà trẻ sẽ ngày càng tăng. Tuy hiện nay đã có 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, dự kiến đáp ứng cho 5.500 trẻ, nhưng việc triển khai các dự án này rất chậm, chỉ mới 5 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án sắp triển khai và 14 dự án đã có quỹ đất để chuẩn bị đầu tư nhưng bao giờ mới đầu tư thì vẫn phải... chờ.


Theo Dân Việt