Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ


Đồ chơi là một phần không thể thiếu trong thế giới trẻ thơ. Ngoài việc cầm nắm khi chơi, một số trẻ còn rất thích cho vào miệng để ngậm hoặc cắn khi chúng mọc răng. Thế nhưng phần lớn đồ chơi được bày bán hiện nay đều không có chỉ số về chất liệu sử dụng. Đồ nhựa thì làm từ mủ tái sinh không rõ nguồn gốc. Các loại thú bông thì lông rụng thường xuyên khiến trẻ có thể hít phải. Nhiều phụ huynh thấy mầu sắc sặc sỡ, lại rẻ tiền nên mua về mà không biết đó là những tai họa tiềm tàng đầy nguy hiểm. Trẻ có thể nhiễm trùng hay dị ứng với đồ chơi, một số có thể nhiễm độc nếu ngậm vào miệng hay nuốt phải. Dưới đây là một số lưu ý khi chọn đồ chơi - Nếu trẻ dưới 3 tuổi cần tránh chọn những loại đồ chơi có cạnh sắc nhọn; loại có dây thòng lọng, mảnh có thể siết chặt cổ, tay, chân mà người lớn không thể phát hiện ra; những vật có kích thước quá nhỏ mà trẻ có thể bỏ lọt miệng. - Nên chọn các loại đồ chơi có ghi rõ thành phần chất liệu hoặc ghi rõ không độc hại đối với trẻ em. - Che kín các lỗ cắm điện, đảm bảo chỗ bé chơi không gần bất cứ sợi dây điện nào. - Các đồ chơi mà bé cầm nắm thường xuyên ( như núm vú, gấu bông…) phải được chùi rửa hằng ngày, thậm chí đem luộc chín nếu vật đó bé hay cho vào miệng để ngăn chặn vi trùng xâm nhập. Cha mẹ đừng nên tiếc tiền quá khi mua đồ chơi cho con. Nếu không có điều kiện thì mua ít nhưng nên mua đồ chất lượng. Tốt nhất nên chọn những đồ chơi không bị phai màu và có thể chà rửa thường xuyên. Cách rửa đồ chơi như sau: - Ngâm vào nước xà phòng rồi cọ rửa hay giặt thật kỹ. - Pha ¾ nắp thuốc tẩy dùng trong gia đình, ngâm đồ chơi vào khoảng 5 phút. - Chà rửa bằng nước sạch một lần nữa rồi đem phơi khô. Ở cấp nhà trẻ hay trường mẫu giáo, do số lượng đồ chơi khá lớn, trẻ ở tuổi đi học cũng có ý thức không bỏ đồ chơi vào miệng nên cũng không cần quá cầu kỳ trong việc chà rửa. Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua bước rửa xà phòng rồi phơi khô trước khi cho trẻ chơi. Các cô cũng phải luyện thói quen rửa tay sau khi chơi cho trẻ để đảm bảo vệ sinh. Và cho dù trẻ nhỏ mới biết đi hay trẻ đã lớn, mọi hoạt động vui chơi của chúng vẫn luôn cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn, để ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình chơi. Vũ Hà (www.mamnon.com)