Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên trường miền núi: Đến, đạt rồi đi


Mới vào nghề dạy học, nhiều giáo viên ở đồng bằng hăng hái, xung phong lên miền núi làm việc và ước muốn được cống hiến lâu dài tại đây. Thế nhưng, 3-5 năm trôi qua, sự nhiệt huyết cũng như tấm lòng dành cho học sinh miền núi, vùng cao ở Quảng Ngãi của thầy cô giáo bị giảm bớt.

Cái khổ của học sinh miền núi rất cần sự nhiệt huyết của người thầy để các em vượt qua (ảnh: Bữa ăn chỉ có cơm và muối của học sinh dân tộc Hre, huyện Ba Tơ)


Trường 3 Đ: Đến, đạt rồi đi
Cô Lê Thị Tường Vi dạy ở Trường THPT Quang Trung hơn 4 năm. Cô đang xin chuyển về một trường ở đồng bằng để thuận tiện cho việc đi lại. Hơn 4 năm phải đi về quãng đường trên 60km đã làm cho cô giáo trẻ này nhụt chí và cảm thấy nản. Cô giáo Vi cho biết: "Khi mới lên đây, em không có ý định chuyển về, nhưng trên này mỗi lần về thăm nhà vất vả quá. Tâm trạng khi mới lên đây là muốn ở lại, đặt niềm tin ở đây nhiều lắm, nhưng bây giờ muốn về vì thấy mệt mỏi quá".


Thầy Lưu Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung chia sẻ thực tế này: "Giáo viên ở đồng bằng lên thì nhiều cho nên không thể tiếp nhận và bố trí đầy đủ việc ăn ở của thầy cô. Sáng lên, chiều họ lại về, chính vì vậy cho nên công tác phối kết hợp trong vấn đề giáo dục học sinh, công tác chuyên môn không được tốt lắm, không được đảm bảo. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh học sinh không được tốt. Cho nên trường miền núi chúng tôi thường gọi là trường 3 Đ. Tức là đến, đạt rồi đi".


Trường THPT Quang Trung thuộc huyện miền núi Sơn Hà, là trường có điều kiện thuận lợi nhất so với các trường thuộc 6 huyện miền núi khác của Quảng Ngãi. Thế nhưng, từ khi thành lập trường năm 2008 đến 2012, đã có 14 giáo viên của trường xin chuyển về đồng bằng. Trong khi đó, trường chỉ có hơn 50 giáo viên.


Trong 9 trường THPT của 6 huyện miền núi Quảng Ngãi, từ năm 2009 đến năm 2013 có 160 hồ sơ xin chuyển thì chỉ có hơn 80 hồ sơ được giải quyết về đồng bằng. Trong khi đó, tổng số giáo viên của 9 trường này chỉ có 305 người. Đây chỉ là con số giáo viên thuộc bậc THPT, đối với giáo viên các bậc học khác mong muốn được về xuôi còn nhiều hơn nữa.


Khó khăn để giữ chân giáo viên miền núi
Thực tế, rất nhiều giáo viên đang công tác ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi có quê quán, gia đình ở các huyện đồng bằng, nên sau khi tham gia giảng dạy ở miền núi nhiều năm họ đều có nguyện vọng trở về quê hương để ổn định cuộc sống, hợp lý hóa gia đình.


Hiện nay, chính sách thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng thì có nhưng luân chuyển giáo viên từ đồng bằng lên miền núi thì chưa thực hiện được. Giáo viên có nhu cầu thuyên chuyển về đồng bằng tương đối nhiều, họ gắn bó lâu dài với giáo dục miền núi, chẳng qua là bất đắc dĩ. Tất nhiên, vẫn có nhiều thầy cô giáo xác định từ đầu gắn bó cuộc đời dạy học của mình cho miền núi.


Chính sách thuyên chuyển giáo viên về đồng bằng là đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên. Nhưng điều đó cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng giáo dục, đến sự nhiệt tình và tâm huyết của người thầy giáo ở miền núi. Đối với giáo viên miền núi như Quảng Ngãi, ngoài việc giảng dạy kiến thức cho học sinh trên lớp, họ còn có nhiệm vụ quan trọng khác, đó là tuyên truyền, vận động gia đình các em nhận thức tầm quan trọng của việc học, rồi đến từng bản làng, gia đình học sinh để khuyên răn, vận động các em đi học. Những việc làm như vậy không học được ở các trường ĐH, mà đòi hỏi ở điều kiện hoàn cảnh và tâm huyết của người thầy. Do đó, tạo điều kiện cho thầy cô giáo miền núi an tâm công tác, gắn bó với giáo dục miền núi là điều mà các cấp chính quyền cần quan tâm. Nhưng đối với giáo dục miền núi Quảng Ngãi, khó khăn vẫn còn chồng chất, như thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên. Có những trường, giáo viên phải ngụ lại trong nhà dân, cuộc sống cũng như điều kiện sinh hoạt thiếu thốn... lâu ngày, chính điều này gây nên sự chán nản cho giáo viên vùng cao. Và việc xin về dưới xuôi là điều tất nhiên. Ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà là người gắn bó lâu năm với giáo dục miền núi cho rằng, phải tính toán đến điều kiện làm việc lâu dài cho giáo viên miền núi. Cần phải tính luôn cho gia đình, con cái và tương lai sau này của họ. Ông Dũng chia sẻ: "Thu hút giáo viên chọn miền núi Sơn Hà là quê hương của họ là việc rất cần của các cấp, các ngành. Có thể tác động đến môi trường công tác, điều kiện sinh hoạt, có thể là quỹ đất để ở. Chúng ta không thể chọn giáo viên tốt ở đồng bằng lên mà không chọn giáo viên ở miền núi vì như thế sẽ có tác dụng ngược trở lại quá trình giáo dục. Cần có cơ chế chính sách, thái độ của chính quyền các cấp đối với các thầy cô giáo ở đồng bằng lên, cần phải có thái độ tiến bộ, mới giúp cho các thầy cô giáo chọn nơi đang công tác làm quê hương của mình cùng với các thầy cô giáo bản địa trau dồi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ làm cho học sinh có cơ hội học tập với thầy cô giáo có trình độ tốt hơn".


Làm thế nào để giữ chân và cuốn hút giáo viên tình nguyện công tác lâu dài ở miền núi là bài toán khó. Bởi nơi đây điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào về giáo dục vẫn còn hạn chế. Điều đó sẽ là bước cản trong việc thu hút nhân lực ngành giáo dục về làm việc lâu dài ở vùng khó. Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục Quảng Ngãi, trong những năm gần đây, nhu cầu xin chuyển về đồng bằng đối với giáo viên miền núi đang ngày càng tăng lên. Được biết, trong năm 2014, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi sẽ thực hiện việc luân chuyển giáo viên từ đồng bằng lên miền núi với mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục. Đề cập đến sự quan tâm đội ngũ giáo viên miền núi, ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho rằng: "Nói đến chất lượng giáo dục, trước hết phải nói đến chất lượng người thầy. Trong nhiều yếu tố tác động đến chất lượng của giáo viên miền núi, việc đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt là rất quan trọng, cần được các cấp, các ngành quan tâm một cách thật sự, bằng hành động chứ không phải lời nói suông. Chỉ riêng ngành giáo dục thì khó có thể thực hiện được. Cần có sự chăm lo toàn diện, không chỉ là tinh thần, mà phải đảm bảo cơ sở vật chất nơi ăn chốn ở. Làm thế nào để giáo viên thực sự gắn bó cuộc đời làm thầy của mình với những vùng đất khó khăn của Quảng Ngãi cảm thấy an lòng và ý nghĩa. Khi đó, họ mới có thể dành hết tâm huyết của mình cho giáo dục miền núi.


Theo Báo Giáo Dục