Với một đứa trẻ lớn thì ý thức về việc đi bác sĩ hay đi bệnh viện đã trở nên bình thường, can đảm hơn. Nhưng một đứa trẻ 2 tuổi thì khác, có thể sẽ khóc, vùng vẫy hoặc có thái độ không hợp tác. Nhiều đứa trẻ lớn hơn vẫn mắc chứng sợ bác sĩ như khi còn nhỏ.
Ảnh: Getty images
Những nguyên nhân khiến trẻ lo sợ:
Sức khỏe kém: sức khỏe và thái độ luôn gắn liền với nhau. Khi cảm thấy không khỏe hoặc khó chịu trong người, một đứa trẻ vốn rất điềm tĩnh bỗng trở nên cáu kỉnh, bẳn gắt và một đứa trẻ ngoan ngoãn thì thành kẻ hung hãn.
Sợ tiếp xúc với người lạ: Mặc dù trẻ rất dễ làm quen nhưng khi tiếp xúc với người lạ, bé thụ động và nhút nhát. Khi phải đi khám bệnh, trẻ thấy lo lắng và bé phản ứng dữ dội với người lạ cũng như với bác sĩ.
Kinh nghiệm thương đau: Cũng có khi trẻ còn nhớ về mũi kim đau điếng bé bị chích trước đây và cảm thấy bất an mỗi khi có ai nhắc tới việc đi bác sĩ.
Buồn chán: Trẻ con không thích chờ đợi, nó chưa tập được tính kiên nhẫn và không thích ngồi yên một chỗ. Hầu hết các cuộc hẹn khám bệnh không bao giờ đúng giờ như dự định. Càng ngồi đợi lâu bạn càng gặp rắc rối với bé.
Bí quyết giúp giải quyết vấn đề:
Chuẩn bị trước cho bé: Ðây không hẳn là một giải pháp hiệu quả tuyệt đối nhưng khi bạn đã hẹn được với bác sĩ thì hãy báo trước cho trẻ một ngày. Ðừng để bé tưởng được đi chơi với mẹ rồi cuối cùng lại thành đi khám bệnh. Dành ra một chút thời gian để con bạn có thể đặt bất cứ câu hỏi nào về chuyện bác sĩ khám bệnh...
Trả lời một cách thành thực: Trẻ cảm thấy an tâm nếu bạn cho bé biết bác sĩ rất hiền, dễ mến và tận tâm, bạn sẽ ở bên cạnh bé trong suốt thời gian khám bệnh. Nếu bé vẫn còn lo lắng vì sợ bị chích ngừa hoặc khám cổ họng, hãy trấn an nó: "Nhanh thôi mà, chớp mắt là xong".
Nhưng cũng đừng nói dối rằng "không đau một chút nào", vì như thế những lần đi khám sau cháu trẻ sẽ không tin bạn nữa. Hãy nói thật: "Chỉ đau như con kiến cắn thôi, chút xíu hà!" và khuyến khích cháu mạnh dạn, không có gì phải sợ.
Bản thân bạn cũng phải bình tĩnh khi đã hẹn với bác sĩ
Cảm nhận được sự lo lắng của bạn, trẻ sẽ phản ứng. Nếu bé nghĩ rằng bạn đang lo lắng, lập tức bé cũng cảm thấy lo lắng. Hãy cười với bé khi bác sĩ đang khám bệnh cho bé. Bạn phải tỏ ra thoải mái, điềm tĩnh. Nếu bạn làm được như vậy thì trẻ cũng cảm thấy dễ chịu.
Nếu trẻ cưỡng lại và ngọ nguậy không yên cho bác sĩ chích ngừa hoặc không chịu há miệng cho bác sĩ khám, đừng bắt ép trẻ. Nhẹ nhàng thuyết phục và khuyến khích trẻ có tác dụng hơn là cưỡng bức.
Nhưng nếu trẻ vẫn không nghe lời thì đã đến lúc phải sử dụng đến phương pháp bắt buộc. Nếu là kiểm tra sức khỏe định kỳ thì còn có thời gian chờ đợi, thuyết phục nhưng nếu là khám bệnh thì cần phải khám ngay.
Một cách để giảm sự căng thẳng của trẻ là cho nó mang theo món đồ chơi nó thích nhất, có thể là chú gấu bông, con búp bê hay một chiếc xe đồ chơi... Khi khám bệnh xong, hãy ôm hôn con và nói rằng bạn rất hài lòng vì thái độ và sự can đảm của con. Chỉ như vậy thôi những lần sau trẻ sẽ thấy yên tâm hơn mỗi khi phải bước vào phòng khám của bác sĩ.
Nguồn: Webtretho