Với 29/29 quận, huyện, thị xã và 558/577 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi, Hà Nội được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào cuối năm 2013.
Với quyết định này, Hà Nội là một trong số ít địa phương về đích sớm hơn hai năm so với kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Đây không chỉ là tin vui với giáo dục Thủ đô trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014, mà còn là tiền đề quan trọng để giáo dục mầm non (GDMN) Hà Nội nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Hà Nội là một trong số ít địa phương được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ảnh: Bảo Kha
Chuẩn ở cả 3 tiêu chí
Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-2-2010 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1. Theo kế hoạch, 100% các địa phương sẽ hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Hà Nội đăng ký hoàn thành mục tiêu này vào năm 2014. Nhưng với sự quan tâm thiết thực cho cấp học đầu đời của trẻ, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều tập trung nguồn lực để chăm lo cho GDMN. Kết quả, Hà Nội là một trong số ít các địa phương đã về đích sớm hai năm so với kế hoạch, vượt so với mục tiêu thành phố đề ra một năm.
So với Thông tư 32/2010/TT-BGDĐT quy định các điều kiện, tiêu chí đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, GDMN của cả 29/29 quận, huyện, thị xã đều đạt chuẩn ở cả 3 tiêu chí. Đây là những điều kiện bắt buộc phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ MN tại trường. Thứ nhất về cơ sở vật chất, Hà Nội có 98% trong số gần 3.300 phòng học đạt yêu cầu, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,2%, số còn lại là phòng học bán kiên cố. 99,6% số lớp 5 tuổi được trang bị đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu. Thứ hai về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy trẻ 5 tuổi (hơn 7.700 người) có trình độ đạt chuẩn, bảo đảm 2,4 giáo viên/lớp theo định biên của Bộ GD-ĐT. Thứ ba về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, toàn bộ 126 nghìn trẻ 5 tuổi được bố trí học đủ 2 buổi/ngày, những trẻ khó khăn được hỗ trợ ăn trưa và mọi chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Sức mạnh từ "ba quyết tâm, ba đồng bộ"
Nói về kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho rằng, yếu tố quan trọng, quyết định thành công của công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và các phường, xã, thị trấn, thể hiện ở "ba quyết tâm và ba đồng bộ". Đồng bộ ở sự đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí với huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục và chính sách cho đội ngũ giáo viên, trẻ em. Việc trang bị cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ giáo viên luôn được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm thực hiện cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ MN nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có chất lượng đã đạt được các mục tiêu của Đề án.
Theo thống kê, trong ba năm thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, thành phố đã xây dựng mới 73 trường MN, xây mới thay thế hơn 2.400 phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm. Việc đầu tư khu trung tâm khang trang để tập trung quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ, cùng với việc thu gom điểm lẻ tại khu vực các huyện được chú trọng triển khai. Tính sơ bộ, toàn thành phố đã giảm hơn 600 điểm lẻ. Nhiều trường từ chỗ có hơn chục điểm lẻ, nay chỉ còn 3, 4 điểm. Đáng chú ý trong giai đoạn này là sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng trường MN công lập ở 6 phường "trắng" trường MN tại quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Sau hàng chục năm, đến nay trẻ MN tại các phường trên đã có ngôi trường của riêng mình, phụ huynh bớt lo khi mỗi mùa tuyển sinh tới. Ba năm qua cũng là khoảng thời gian các cô giáo MN của Hà Nội được hưởng nhiều chính sách thiết thực, giúp các cô thêm yên tâm, gắn bó với nghề. Lãnh đạo thành phố đã chính thức phê duyệt việc tuyển dụng vào biên chế gần 5 nghìn giáo viên MN dạy trẻ 5 tuổi. Ngoài ra, 21 nghìn giáo viên đang làm việc hợp đồng lao động được hưởng các chế độ, chính sách như đối với viên chức nhà nước.
Tuy về đích sớm, song chặng đường trước mắt với GDMN Hà Nội vẫn đang còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc mở rộng quy mô trường, lớp để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh và bài toán giảm tải cho các trường nhằm chuẩn bị tốt nhất cho mùa tuyển sinh năm học 2014-2015 cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây là bài toán không dễ giải, bởi đáp án không chỉ nằm ở sự quyết tâm của riêng ngành giáo dục.
Theo HNM