Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương dành đất xây trường


Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, cấp tiểu học và THCS, có hai khó khăn lớn trong triển khai là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.


Trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thông tin, sau ba năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã có nhiều kết quả. Tính tới thời điểm này toàn quốc đã có 13 tỉnh được công nhận đạt chuẩn (đạt 20,63%).


Quy mô và tỉ lệ huy động trẻ tới lớp tăng qua từng năm (bình quân năm 3%), riêng trẻ mẫu giáo tới trường đạt 99,7%, đáng chú ý là trẻ học 2 buổi/ngày tăng. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên biên chế tăng nhanh.


Trong ba năm qua đã có 34 tỉnh thực hiện việc chuyển đổi trường bán công sang trường công lập, đã tuyển vào biên chế gần 40 nghìn giáo viên mầm non.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các địa phương quan tâm, dành quỹ đất hợp lí để xây trường.


Ngân sách cho Giáo dục mầm non được quan tâm nhiều hơn, tổng chi chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp giáo dục địa phương. Cũng theo báo cáo, số phòng học kiên cố của Giáo dục mầm non cuối năm 2012 - 2013 đạt hơn 89 nghìn/161 nghìn phòng. Cũng trong ba năm qua cả nước có thêm 877 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.


Đối với việc phổ cập giáo dục tiểu học, đến hết tháng 12/2013 có 61/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 4 tỉnh đạt mức độ 2.


Đối với phổ cập giáo dục THCS: Đến cuối tháng 6/2013 có 63 tỉnh đạt chuẩn, số người độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 89%.


Tuy nhiên, cũng theo vị thứ trưởng, việc phổ cập còn nhiều hạn chế. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, việc phổ cập giáo dục mầm non nhất là đối với việc quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Khó khăn nhất lúc này theo bà Nghĩa là cơ sở vật chất trường lớp mầm non (mới chỉ đạt 55% lớp học kiên cố).


Với những khu công nghiệp, khu chế xuất tình trạng thiếu lớp học còn nhiều, dẫn đến còn tồn tại nhiều lớp tư thục chưa được cấp phép, cộng với thiếu đội ngũ giáo viên nên trẻ em ở những khu này chưa được đảm bảo an toàn. Và thực tế đã có tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra.


Bà Nghĩa cũng cho biết, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát cùng với tổ chức các hội thảo liên quan tới vấn đề bạo hành để tăng cường trách nhiệm của các ngành, các địa phương, tạo điều kiện cho trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được tới trường.


Nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ phổ cập mầm non còn thấp, bà Nghĩa đề nghị các địa phương cần lưu tâm vấn đề này (phổ cập mầm non, tiểu học, THCS), tuy nhiên cũng phải rà soát lại các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn chứ không nóng vội, chạy theo thành tích.


Song song với việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi cũng cần đảm bảo các quy định phát triển cho trẻ dưới 5 tuổi. Phát triển mạng lưới trường lớp, ưu tiên đủ trường lớp cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, địa phương cần cân đối, dành quỹ đất đủ diện tích tối thiểu theo quy định để xây dựng trường.


Theo GDVN