Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé hay cắn móng tay: khi nào mẹ nên lo lắng


Các bé ở tuổi mẫu giáo vẫn gặm móng tay của mình vì một số lý do: tò mò hay chán nản, để làm giảm căng thẳng hoặc đơn thuần chỉ là một thói quen.


Cắn móng tay là hình thức phổ biến của hiện tượng mà các chuyên gia gọi là "thói quen thần kinh", trong đó gồm mút ngón tay cái, ngoáy mũi, xoắn hoặc kéo tóc, nghiến răng... và có thể tiếp tục duy trì cho đến tuổi trưởng thành.


Điều cha mẹ nên làm
Tìm hiểu nguyên nhân lo lắng: Để ứng phó hiệu quả với thói quen cắn móng ở bé, cha mẹ cần kiểm tra xem liệu có căng thẳng nào trong cuộc sống mà con bạn phải đối mặt. Nếu bạn nghi ngờ những chuyện có thể xáo trộn tinh thần bé, chẳng hạn, chuyển bé sang trường lớp mẫu giáo mới hay chuyện ly hôn của cha mẹ, hãy nỗ lực cùng bé nói chuyện về những bất an của bé.


Không đánh đòn hoặc trừng phạt: Giống như nhiều thói quen khác, cắn móng có xu hướng vô thức. Bé nhà bạn thậm chí không biết đang làm việc đó. Do vậy, đánh đòn hay trừng phạt bé tỏ ra không có tác dụng. Ngay cả người lớn cũng có những thói quen không dễ gì từ bỏ (thử trả lời thẳng thắn xem, có chắc bạn không cắn móng tay hay kéo tóc khi đang nói chuyện điện thoại?).


Miễn là bé không làm tổn thương mình và không quá căng thẳng, tốt nhất bạn nên cắt tỉa móng cho con gọn gàng để bé không bị cám dỗ. Giữ tay sạch sẽ còn giảm tiếp xúc của bé với vi trùng và hướng sự chú ý của bé tới những nơi khác.


Nếu bạn tăng áp lực cho bé, vô tình bạn chỉ nhận thêm stress, còn bé càng phát triển thói quen này. Bất kỳ sự can thiệp nào, như bôi dầu vào đầu ngón tay đều khiến bé cảm thấy như một hình phạt, dù bạn không có ý đó.


Trợ giúp khi bé muốn dừng lại: Nếu các bạn mẫu giáo trêu chọc bé về việc cắn móng tay, bé có thể sẵn sàng để từ bỏ và bé cần bạn giúp đỡ. Trước tiên, hãy nói chuyện với bé về những lời trêu chọc, khuyến khích bé nói lại với các bạn ở lớp thể nào cho phù hợp. Hãy nhắc nhở bé rằng, bé không phải khác các bạn ở lớp chỉ vì cắn móng. Sau đó, gợi ý cho bé các giải pháp thay thế.


Giúp bé nhận thức tốt: Khuyến khích bé có ý thức hơn về chuyện cắn móng. Đồng thời, có một lời nhắc nhở bí mật cho mỗi lần bé quên, một mật mã chẳng hạn. Động viên bé tham gia vào một hoạt động thay thế như trò đi xe, xếp hình...


Một số bé từ bỏ thói quen cắn móng với những mẹo nhỏ của mẹ. Bạn có thể thảo luận hình thức với bé và để bé thử, ví dụ, đính miếng dán màu sắc lên móng tay của bé hoặc dùng thuốc bôi ngón tay có vị đắng (bán ở các hiệu thuốc) để bé cai cắn móng. Mỗi bé thích nghi với những kỹ thuật "cai" cắn móng khác nhau nhưng nếu bé chịu hợp tác thì nhiều khả năng sẽ thành công. Bạn cũng đỡ phải stress vì con.


Khi cắn móng trở thành đáng lo

Trong trường hợp hiếm, cắn móng nghiêm trọng có thể báo hiệu lo lắng quá mức. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bé nhà bạn cắn móng tay gây đau đầu ngón tay hoặc chảy máu; cắn móng đi kèm những hành vi đáng lo như kéo lông mi, kéo rụng tóc hoặc khi thói quen ngủ của bé có thay đổi đáng kể.


Theo afamily