Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để thiếu trường mầm non là “mang tội với các cháu“


Trước thực trạng trẻ bị bạo hành tại nhóm trẻ gia đình vào năm 2008, bà Nguyễn Thị Thu Hà lúc này giữ chức Phó chủ tịch UNBD TP.HCM (hiện bà Hà là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) đã từng "xé rào" và yêu cầu các quận huyện làm quyết liệt việc xây trường mầm non cho trẻ, đừng để "mang tội với các cháu".


Ngành giáo dục không tự giải quyết được
TP.HCM hiện có 870 trường mầm non, trong đó 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập với tổng số 309.279 trẻ (trẻ ngoài công lập là 148.207 cháu chiếm 47,9%). Theo thống kê, có 65.000 trẻ không có hộ khẩu, KT3 tại TP.HCM nhưng vẫn được học tại các trường trên địa bàn thành phố.


"Cơ sở vật chất trường lớp là bài toán khó mà ngành giáo dục không tự thân giải quyết được", bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định chắc nịch như thế.


Như vậy làm thế nào để có chỗ học cho con em người dân đang lao động, sinh sống tại TP.HCM?

Nhà nước buông xuôi không xây trường công cho trẻ mầm non thì những lớp học cho trẻ như thế này chỉ dành cho con nhà giàu, phụ huynh sẵn sàng bỏ vài nghìn USD để "chạy" cho con mình một suất học.


Thật ra, quận huyện nào cũng có quy hoạch trường lớp và mong muốn được xây trường lớp nhiều để đáp ứng yêu cần chính đáng của người dân là con họ có chỗ học. Tuy nhiên, giờ đụng tới quận nào cũng thấy vướng về cơ chế.
Đơn cử như quận 12, quy hoạch, dành đất rất tốt cho trường học, tuy nhiên vẫn vướng bài toán về vốn.


Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục quận 12 cho biế một số dự án trường mầm non trên địa bàn bị ách lại, kéo dài thời gian và "chết" trên giấy vì thành phố chưa duyệt, chưa cấp ngân sách về cho quận.


Trước yêu cầu bức bách về chỗ học của con em, người dân đành chọn những chỗ học rẻ tiền, thực tế là nhu cầu trông giữ trẻ để họ đi làm, hơn là việc quan tâm đến dạy trẻ. Với nhu cầu này thì nhiều nhóm trẻ gia đình ra đời và đáp ứng được ngay, nhưng nguy cơ trẻ bị bạo hành thì tăng lên gấp bội.


Đã làm quyết liệt từ 5 năm trước nhưng... tắc tị!
Năm 2008, trước thực trạng trẻ em bị ngược đãi trong các nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo UBND TP.HCM đã triệu tập cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ mầm non. Vấn đề xây thêm trường mầm non công cho thành phố đã được đặt ra.


Lúc đó, một đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng thành phố không thiếu tiền đầu tư xây trường cho trẻ nhưng vướng Nghị quyết 05 về chủ trương xã hội hóa giáo dục và Quyết định 161 (ban hành tháng 11.2002) không cho phép tiếp tục xây thêm trường mầm non công lập ở vùng kinh tế - xã hội không thuộc diện đặc biệt khó khăn.


Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Hà là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (hiện bà Hà là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) vẫn mạnh dạn "xé rào" Nghị quyết 05 để "TP.HCM phải xây thêm nhiều trường mầm non công lập".


Theo bà Hà, các quận huyện cứ mạnh dạn làm, nếu vướng chỗ nào cứ báo cáo, đưa ra thường trực UBND TP để chủ tịch UBND TP quyết định, vì "nếu không làm là có tội với các cháu".


Tính ra sau năm năm lãnh đạo TP.HCM họp và có chủ trương làm quyết liệt nhưng đến nay việc thiếu trường vẫn tồn tại và rất khó triển khai...


Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp đã được UBND TP phân quyền cụ thể cho các lãnh đạo UBND các quận, huyện.

 

UBND các quận, huyện cho rằng dự án lẫn đất đai dành cho trường học, đặc biệt là bậc học mầm non có nhưng bị vướng ở ngân sách. Ngược lại, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện làm quyết liệt, xây trường mầm non công lập. Tuy nhiên, đến nay các dự án trường mầm non một số địa phương vẫn chưa có.


Đơn cử là thành phố vẫn còn 9 phường chưa có trường mần non công lập.


Lỗi do ai và nó nghẽn, tắc ở khâu nào thì chỉ lãnh đạo UBND TP rõ nhất và sẽ giải quyết nhanh nhất nếu thật sự quyết liệt làm.


Trao đổi với phóng viên Motthegioi.vn, bà Trần Thị Kiều Hoa, chủ nhóm trẻ gia đình Hoàng Yến, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: "Nếu chính quyền các cấp hỗ trợ về mặt bằng, miễn thuế đất, ngành giáo dục hỗ trợ về chuyên môn và kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở trường mầm non tư thục sẽ giảm gánh nặng cho bậc học mầm non mà TP.HCM đang gồng gánh, tạo nơi gửi con an toàn cho phụ huynh".


Theo Công nghệ Việt Nam.