Trường mầm non tư thục, nhóm lớp mầm non ngoài công lập, đã và đang góp phần giải quyết nhu cầu của người dân trong việc trông giữ trẻ. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong những điều kiện, quy định để mở các nhóm lớp, đã dẫn tới chất lượng của các cơ sở mầm non ngoài công lập chưa cao, còn nhiều vi phạm về chất lượng giáo dục cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài 1: Bức tranh nhóm lớp mầm non ngoài công lập
Hầu hết những trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập đều không đảm bảo những điều kiện về sân chơi, nhà bếp, lớp học... Tuy nhiên, trước sự quá tải của các trường mầm non công lập, nhiều phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con dưới 3 tuổi buộc phải "nhắm mắt đưa chân".
Hình minh họa
Thiếu không gian cho trẻ
Cùng với sự gia tăng của những khu chung cư cao tầng, các nhóm trẻ mầm non tư thục cũng nở rộ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trong số 40 trường mầm non của toàn quận, có tới 26 trường là ngoài công lập, chiếm 65%. Ngoài ra còn có 112 nhóm lớp mầm non ngoài công lập.
Số lượng thì nhiều như vậy, nhưng điều đáng nói là sự bung ra của hệ thống trường lớp mầm non ngoài công lập này lại đi kèm với việc thiếu đảm bảo về cơ sở vật chất của trường.
Trong vai phụ huynh tìm lớp học cho con, chúng tôi tìm đến nhóm lớp mầm non tư thục Thùy Trang (phố Vũ Phạm Hàm, phường Trung Kính, quận Cầu Giấy). Cả ngôi trường nằm gọn trong một căn nhà 4 tầng, với diện tích sàn 70 m2, chia làm 2 khu riêng biệt: Mẫu giáo bé và nhà trẻ. Do không có sân chơi nên tầng 1 được tận dụng thành nơi đặt đồ chơi cho trẻ và đón tiếp phụ huynh. Còn tầng 2 dành cho các lớp nhà trẻ và tầng 3 là lớp mẫu giáo bé. Các hoạt động ngoại khóa của trường thì được... rinh ra vỉa hè bên ngoài cửa trường.
Một giáo viên của trường cho biết, trường Thùy Trang nhận trẻ từ 10 tháng tuổi trở lên, học phí khoảng 1 triệu đồng/tháng, còn tiền ăn được tính riêng theo mức 25.000 - 30.000 đồng/ngày, ăn bữa nào tính tiền bữa ấy. Với mức học phí không phải là quá cao như vậy, lại cộng thêm "ưu điểm" là nhận trẻ còn rất nhỏ, nên trường rất đông học sinh. Các bậc cha mẹ có con nhỏ ở khu vực này đều tìm đến trường để gửi trẻ. "Thêm vào đó, trường còn nhận trông trẻ ngoài giờ khi bố mẹ chưa thể đến đón trẻ, với mức giá 10.000 đồng/giờ, nên cũng rất thuận lợi cho chúng tôi khi gửi con ở đây", một phụ huynh của trường cho biết. "Tuy nhiên, do là trường tư thục, nên cũng không có nhiều điều kiện để đầu tư về cơ sở vật chất, bên cạnh đó, diện tích chật nên không có khu vận động ngoài trời cho trẻ, đó là điều chúng tôi rất phân vân", vẫn phụ huynh này chia sẻ.
Cùng chung "cảnh ngộ" là trường mầm non Sakura - Hoa Anh Đào, ở ngõ 218 Trần Duy Hưng. Ngôi nhà 4 tầng được sử dụng làm trường học có diện tích khá khiêm tốn, trong khi đặc thù của trường mầm non là phải có nhiều đồ dùng cho các con, bởi vậy lúc nào vào trường cũng có cảm giác chật chội. Cũng như bao nhóm trẻ tư thục khác, tầng 1 được dùng làm sân chơi cho trẻ, kiêm nơi tiếp khách. Đại diện của trường cho biết, toàn trường có tổng số 5 lớp, mỗi lớp trung bình 10 cháu, nhỏ tuổi nhất là gần 1 tuổi. Học phí ở đây cũng khoảng 1 triệu đồng/tháng, với trẻ trên 1 tuổi. Còn với các cháu dưới 1 tuổi là 1,5 triệu đồng. "Do chật chội nên để trẻ có thể được tham gia vận động, trường phải thường xuyên đưa trẻ đi dã ngoại, vui chơi ở các công viên gần đó", đại diện của trường chia sẻ.
Đó chỉ là thực trạng của hai trong số hàng trăm nhóm lớp ngoài công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy. Theo bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng trường mầm non Trung Hòa (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), đơn vị đang quản lý 13 nhóm lớp mầm non ngoài công lập, trên tổng số 27 nhóm lớp trên địa bàn phường Trung Hòa, thì đa số những nhóm lớp ngoài công lập đều mở tại những căn nhà liền kề thuê của nhà dân, nhà vệ sinh không phù hợp với trẻ mầm non, không có khu để đồ, không có sân chơi, bếp ăn đặt trên tầng trên cùng không đảm bảo. "Với những nhóm lớp chưa có quyết định thành lập, thậm chí còn có cầu thang dốc, khoảng bếp nhỏ hẹp, ánh sáng gần như không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính an toàn khi trẻ đến lớp", bà Thuận chia sẻ.
Nhận định này đã được chủ nhóm lớp mầm non Mặt trời bé con (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) thừa nhận. Theo đại diện này, hiện nay cơ sở của nhóm lớp là thuê của nhà dân, kết cấu hạ tầng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của lớp, trường mầm non.
Lo ngại chất lượng giáo viên
Bên cạnh những điều kiện về trường lớp thiếu an toàn thì một mối lo khiến những nhà quản lý giáo dục lo ngại là trình độ của chủ trường và đội ngũ giáo viên trong trường. Theo quy định, các nhóm lớp ngoài công lập chịu sự quản lý về chuyên môn, kiểm tra cơ sở vật chất của trường mầm non công lập trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Thúy Thuận, trong những buổi bồi dưỡng định kỳ ấy, giáo viên từ các nhóm lớp mà trường quản lý đều đến học không ổn định. "Khi kiểm tra mới biết rằng, những giáo viên ấy đã thuyên chuyển đi nơi khác. Đa số giáo viên ở nhóm lớp mầm non ngoài công lập là người ngoại tỉnh, tốt nghiệp trung cấp và đều mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, vì vậy nếu luôn có sự chuyển đổi sẽ rất khó để bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên nòng cốt của nhóm lớp", bà Thuận chia sẻ.
Đồng quan điểm này, bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD - ĐT quận Hà Đông, cho biết, những giáo viên trẻ mới ra trường, lại thường xuyên rời bỏ vị trí để đi nơi khác làm việc thì rất khó có thể xử lý những tình huống bất ngờ.
Theo quy định, trình độ của chủ nhóm trẻ ngoài công lập chỉ cần tốt nghiệp THCS và thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ 30 ngày.
Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, tại Hà Nội có 1.094 nhóm lớp mầm non ngoài công lập được cấp phép hoạt động.
Theo TTXVN