Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹo chăm sóc con nhẹ cân cho mẹ


Bé nhẹ cân thường kén ăn hoặc sức đề kháng yếu, dễ mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa...


Nguyên nhân nhẹ cân ở bé

- Bé có biểu hiện kén ăn: Lượng kalo trong khẩu phần ăn hàng ngày ít hơn so với nhu cầu của bé. Một số bé quá hiếu động cũng làm cơ thể tiêu hao nhiều kalo. Nếu bé không được cung cấp thêm năng lượng để bù vào số kalo đã mất, bé cũng có xu hướng nhẹ cân.


- Bé mắc một số chứng bệnh như ốm sốt, tiêu chảy. Tiêu chảy kéo dài khiến bé thiếu hụt dưỡng chất, gây nhẹ cân.


- Nhóm bé mắc chứng bệnh kinh niên hoặc tim bẩm sinh cũng thường yếu ớt, gầy gò. Nhiều trường hợp, biểu hiện sút cân ở bé có liên quan chặt chẽ với một vài chứng bệnh nguy hiểm. Đó là lý do vì sao, bạn nên đưa bé nhẹ cân đi khám bác sĩ.


- Những nguyên nhân khác khiến bé nhẹ cân: người mẹ thiếu kiến thức khoa học khi chăm sóc bé; bé mắc chứng giun sán; gia đình không có điều kiện kinh tế...


Dấu hiệu nhận biết bé nhẹ cân
- Biện pháp hữu hiệu nhất để xem xét bé có phát triển bình thường không là theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé. Bé tăng cân đều hàng tháng là dấu hiệu bé khỏe mạnh. Không tăng cân hoặc sút cân là nguy cơ cảnh báo tình trạng bệnh tật hoặc chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý ở bé. Tham khảo biểu đồ cân nặng bình thường ở bé.


- Trong 3 tháng đầu: Bé tăng 1-2 kg/tháng.


- 3 tháng tiếp theo: Bé tăng 500-600g/tháng.


- 6 tháng tiếp theo: Bé tăng 300-400g/tháng.


- Bé 1 tuổi thường nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9-10kg).


- Từ 2-10 tuổi, bé tăng trung bình 2-3kg/năm.


- Cân nặng trung bình của bé trên 1 tuổi có thể áp dụng công thức tính như sau: + [2kgx(N-1)].


(X: Số cân nặng hiện tại của bé, tính bằng kg. N là số tuổi của bé, tính theo năm).


Cách chăm bé nhẹ cân


- Với bé kén ăn, bạn nên kiên trì. Cho bé ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa một chút thức ăn. Một số bé đói bụng nhưng lại ngại ăn nên cha mẹ không để ý, bé cũng không lên tiếng đòi ăn. Một số bé ham chơi đến nỗi quên cả giờ ăn. Số bé kén ăn khác là do thực phẩm không vừa miệng...


- Đổi mới hình thức cho bé: Nếu bé ghét ăn thịt với cháo (hoặc cơm), bạn nên kẹp thịt vào bánh mì. Hoặc bạn có thể chế biến thịt thành ruốc, cho bé ăn kèm xôi. Bé lười ăn canh trong bát, bạn thử đổ canh vào cốc và cho bé dùng thìa xúc.


- Bạn không nên cho bé vừa ăn vừa uống: Cũng không nên cho bé sử dụng đồ uống trước bữa ăn. Bởi vì, đồ uống sẽ làm bé no bụng đồng thời cũng giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ đồ ăn.


- Để bé ăn trong khoảng thời gian tùy thích: Việc hối thúc chỉ khiến bé chán nản và quấy khóc khi ăn. Dù bữa ăn với bé có kéo dài hàng tiếng đồng hồ, bạn cũng không nên quá sốt ruột.


- Bạn nên tắt tivi khi cho bé ăn: Vừa ăn vừa xem tivi dễ dẫn tới các chứng bệnh rối loạn tiêu hóa ở bé. Thói quen này lâu ngày sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của bé.


- Đảm bảo thực phẩm giàu chất đạm, chất béo cho bé như thịt, trứng, cá, sữa... hàng ngày. Bạn nên cho thêm dầu ăn vào cháo hoặc bột cho bé. Bé bước vào tuổi ăn cơm, bạn có thể xào rau hoặc nấu canh cùng dầu, mỡ để tăng chất béo trong khẩu phần ăn của bé.


- Bạn nên đa dạng thực phẩm đế bé hấp thu tối đa dưỡng chất và giúp bé ăn ngon miệng.


- Giữ vệ sinh cho bé để tránh bệnh truyền nhiễm hoặc giun sán: Giữ thói quen rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau mỗi bữa ăn. Bạn cũng nên cắt móng tay gọn gàng cho bé. Tránh việc bé mút tay, ngậm tay hoặc bốc thức ăn bằng đôi tay bẩn.


- Bảo đảm chế độ ăn, ngủ, vui chơi hợp lý cho bé. Không khí quanh nhà bạn phải luôn thoáng mát, trong lành. Phòng ngủ của bé cũng nên được dọn dẹp hàng ngày. Các dụng cụ chế biến và đựng thức ăn cho bé phải luôn được tiệt trùng, khô ráo.


- Nếu bé mắc một chứng bệnh nào đó, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám. Nếu bạn muốn bổ sung vitamin hoặc cho bé sử dụng các loại thuốc kích thích tiêu hóa, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.


Theo Trí thức trẻ